MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhân viên trường học cũng mong muốn giảm tuổi nghỉ hưu. Ảnh minh hoạ: LĐO

Nhân viên trường học lo khó làm việc đến tuổi nghỉ hưu

trà my LDO | 26/11/2023 18:04

Cho rằng tuổi nghỉ hưu hiện nay còn quá cao, nhiều nhân viên trường học mong muốn đề xuất giảm tuổi nghỉ hưu.

Tuổi càng cao, làm việc càng khó

Liên quan tới vấn đề tuổi hưu của giáo viên mầm non, đại biểu Nguyễn Thị Huế (đoàn Bắc Kạn) đề nghị cơ quan soạn thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) nghiên cứu, xem xét chuyển đối tượng giáo viên mầm non vào nhóm lao động nặng nhọc, độc hại, từ đó để hưởng chính sách nghỉ hưu sớm 5 năm so với quy định hiện hành.

Công tác trong ngành Giáo dục được gần 17 năm, chị Đỗ Thị Điệp - nhân viên văn thư của một trường tiểu học tại Kiến Thuỵ (Hải Phòng) - cho rằng, đề xuất giảm tuổi nghỉ hưu nên áp dụng với từng độ tuổi cũng như từng vị trí việc làm.

Cũng theo chị Điệp, chỉ cần đến khoảng 45 tuổi, nhiều người sẽ rất khó làm việc nhanh nhạy khi đối diện với cường độ công việc cần nhiều kĩ năng, độ chính xác.

“Với những giáo viên mầm non thì khi càng lớn tuổi, việc chăm sóc, quan sát các học sinh sẽ hạn chế hơn. Thông thường, tâm lí của các học sinh cũng rất thích học các cô giáo trẻ, năng động dạy học, tham gia các hoạt động cùng.

Còn đối với những nhân viên văn thư, tuy khối lượng công việc chính của mình không nặng nhưng thời điểm tuổi cao, nhất là từ 50 tuổi trở lên thì tay chân cũng chậm chạp hơn trong việc xử lí, quản lí giấy tờ, hồ sơ…” - chị Điệp chia sẻ.

Đồng quan điểm với chị Điệp, anh Nguyễn Đức Công - nhân viên kế toán tại Yên Bái cũng nhận thấy 45 - 50 tuổi là độ tuổi khó để làm việc năng suất như lúc còn trẻ trung.

“Tầm 45 - 50 tuổi là nhiều người cảm thấy uể oải rồi. Mắt mũi nhiều khi cũng tèm nhèm vì hay phải nhìn số má, chưa kể công việc nhiều cũng khiến cho sức khoẻ suy giảm, cột sống nhức mỏi mà không dám rời việc ra. Đôi khi công nghệ phát triển, nếu cập nhật thêm công nghệ để làm việc nữa là cũng trắng đêm để mày mò.

Tôi cũng đang rất băn khoăn liệu đến khi mình 50 tuổi có đủ sức khoẻ mà cống hiến không, nếu không còn sức nữa thì chắc cũng phải viết đơn xin về chờ hưu sớm" - anh Công cho hay.

Mong muốn rút ngắn tuổi hưu

Theo anh Công, nếu đến năm 2024, số tuổi nam nghỉ hưu của nam là 61 tuổi và đối với nữ tới 56 tuổi (4 tháng) là con số không phù hợp.

“Thực tế cho thấy, khi tuổi càng cao thì lại càng chậm chạp, ngại tiếp cận với cái mới, đó là điều không thể tránh khỏi. Chính vì thế, phần nhiều các nhân viên trường học luôn mong muốn được giảm tuổi hưu. Theo tôi, tuổi nghỉ hưu phù hợp nhất là nam 58 tuổi và nữ là 52 tuổi” - anh Công nêu ý kiến.

Còn với chị Điệp, chị lại có phương án như sau: “Theo tôi thì nên thiết lập một độ tuổi nghỉ hưu chung. Đến ngưỡng nam 60 tuổi hay nữ 55 tuổi mà cảm thấy mệt mỏi, không đủ theo nghề thì viết đơn xin nghỉ sớm. Còn với trường hợp nào sức khoẻ vẫn tốt, muốn tiếp tục cống hiến thì ở lại theo tuổi nghỉ hưu chung của người lao động”.

Theo chị Điệp, việc nam nghỉ hưu ở tuổi 60, nữ nghỉ hưu tuổi 55 là điều hoàn toàn phù hợp với đặc thù của nghề nghiệp và kiến nghị này đang nhận được sự đồng thuận của đông đảo các giáo viên, nhân viên trong trường học.

“Nếu duy trì tuổi nghỉ hưu ở tuổi 62 với giáo viên nam, 60 tuổi đối với giáo viên nữ thì nên hướng tới các trường hợp nhà giáo có học vị cao hơn để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, giảng dạy trong các trường đại học, cơ sở quản lý giáo dục sẽ phù hợp hơn” - chị Điệp nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn