MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhân viên y tế học đường kiểm tra sức khỏe cho học sinh. Ảnh: NVCC

Nhân viên y tế học đường vùng biên mong chờ điều chỉnh vị trí việc làm

Lam Thanh LDO | 18/12/2023 15:30

Sau khi Bộ GDĐT có công văn gửi Bộ Nội vụ xem xét, bổ sung, điều chỉnh danh mục vị trí việc làm, nhiều nhân viên y tế học đường vùng cao vừa mừng, vừa lo. Nguyện vọng lớn nhất của họ là được sắp xếp vị trí tương xứng với bằng cấp, nỗ lực.

Như Báo Lao Động đã đưa tin, ngày 15.12, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn gửi Bộ Nội vụ xem xét, bổ sung, điều chỉnh danh mục vị trí việc làm. Trong đó đề nghị điều chỉnh vị trí “y tế học đường” từ nhóm danh mục hỗ trợ, phục vụ sang nhóm vị trí việc làm chuyên môn dùng chung trong các cơ sở giáo dục.

Theo đại diện Bộ GDĐT, sau khi Bộ ban hành các thông tư 19, 20/2023 đã nhận được nhiều ý kiến của các tỉnh, thành phố, đội ngũ nhân viên trường học.

Tập huấn chăm sóc sức khỏe cho học sinh. Ảnh: NVCC

Để bảo đảm quyền lợi và sự ổn định của đội ngũ nhân viên y tế học đường, Bộ GDĐT đề nghị Bộ Nội vụ xem xét, điều chỉnh một số quy định tại Thông tư số 12.

Công tác hơn 15 năm tại huyện biên giới Văn Lãng (Lạng Sơn), chị Vi Thị Hương (Trường THCS Lũng Vài) cho biết, y tế học đường vùng cao vốn dĩ đã rất nhiều khó khăn. Nhận thức về sức khỏe, chính sách bảo hiểm y tế của học sinh, phụ huynh còn mơ hồ.

"Nhiều khó khăn cả về điều kiện kinh tế, hạ tầng giao thông nhưng các nhân viên y tế học đường vùng cao vẫn nỗ lực hết mình.

Hiện tại, mình đã có bằng cao đẳng điều dưỡng và đào tạo thêm về trung cấp y sĩ. Nếu việc làm sắp xếp xuống phục vụ, hỗ trợ thì rất bất công. Các đồng nghiệp cũng rất lo lắng, cảm thấy chạnh lòng", chị Hương cho biết.

Buổi tập huấn sơ cứu cho học sinh của nhân viên y tế học đường. Ảnh: NVCC

Theo chị Hương, khi Bộ GDĐT có công văn đề nghị Bộ Nội vụ xem xét, điều chỉnh vị trí việc làm, các nhân viên y tế học đường rất phấn khởi. Mong muốn các tâm tư, nguyện vọng được các cấp xem xét, giải quyết. Điều chỉnh vị trí việc làm phù hợp với bằng cấp, những nỗ lực cống hiến trong thời gian dài. Đặc biệt, là đội ngũ y tế học đường vùng cao vốn nhiều khó khăn, thiệt thòi.

Cùng tâm trạng, chị Vương Phương Thảo (Trường TH Thị trấn Yên Minh, Hà Giang) chia sẻ, đã 16 năm công tác trong ngành nên thấu hiểu sự vất vả y tế học đường, ngoài công tác vệ sinh an toàn, giáo dục, chăm sóc sức khỏe học sinh, tuyên truyền các chế độ chính sách BHYT, còn kiêm nhiệm thêm nhiều phần việc.

Kiểm tra sức khỏe cho các học sinh. Ảnh: NVCC

"Do vùng cao nhiều khó khăn, nhà trường không có nguồn thu nên đội ngũ nhân viên y tế chỉ trông chờ vào đồng lương chứ không có phụ cấp. Một số đồng nghiệp còn kiêm nhiệm 2 - 3 trường.

Nếu sắp xếp vị trí việc làm xuống hỗ trợ, phục vụ thì sẽ ảnh hưởng đến tâm lý. Thực sự y tế học đường nên có vị trí phù hợp, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa", chị Thảo cho biết.

Cũng theo chị Thảo, sau thông tin Bộ GDĐT có công văn đề nghị Bộ Nội vụ xem xét, điều chỉnh vị trí việc cho nhân viên y tế học đường thì chị rất vui, mong muốn các bộ, ngành thấu hiểu những khó khăn, áp lực của y tế học đường, từ đó, có các điều chỉnh phù hợp để nhân viên y tế học đường yên tâm cống hiến.

Theo Thông tư số 12/2022/TT-BNV của Bộ Nội vụ Hướng dẫn về vị trí việc làm thì nhân viên y tế trường học thuộc nhóm hỗ trợ, phục vụ và được chế độ hợp đồng như đối với nhân viên bảo vệ, tạp vụ.

Đến ngày 30.10.2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập và Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT thì nhân viên y tế học đường không thuộc nhóm vị trí việc làm được định biên trong cơ sở giáo dục mà thuộc nhóm hỗ trợ, phục vụ và thuộc nhân viên hợp đồng tùy theo nhu cầu của đơn vị.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn