MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhân viên y tế học đường vùng cao "tủi thân" trước chính sách mới

Lam Thanh LDO | 04/12/2023 17:26

Thái Nguyên - Trước các thông tư 19, 20/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, không ít nhân viên y tế tại các trường học vùng cao trăn trở. Với chính sách trên, họ sẽ không thuộc nhóm vị trí việc làm được định biên trong cơ sở giáo dục mà thuộc nhóm hỗ trợ, phục vụ.

Gian truân y tế học đường vùng cao

Công tác trong ngành y tế học đường từ năm 2007, chị Châm Thị Thùy (Trường THCS Phú Tiến, huyện Định Hóa) trải qua bao gian nan, vất vả để được vào biên chế. Hơn 16 năm trong nghề, đồng lương ít ỏi chỉ giúp chị trang trải cuộc sống, phụ giúp gia đình.

Theo chị Thùy, công việc chính của nhân viên y tế học đường là chăm sóc sức khỏe cho học sinh, làm các thủ tục về Bảo hiểm y tế. Ngoài ra, còn kiêm nhiệm thêm nhiều phần việc văn phòng tại trường học.

Các nhân viên y tế học đường lo lắng trước chính sách mới. Ảnh: NVCC

Công việc vất vả, thế nhưng khi được vào biên chế thì rất phấn khởi. Thu nhập không cao nhưng xem như đã ổn định.

"Những năm đầu làm hợp đồng phải sống với mức lương 450.000 đồng/1 tháng. Sau dần dần tăng lên được 800.000 đồng rồi hơn 1 triệu. Trải qua hàng chục năm giờ mới được 6 đến 7 triệu đồng/tháng.

Trước thông tư 19, 20 vừa ban hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, không biết những nhân viên y tế sẽ ra sao", chị Thùy giãi bày.

Cũng theo chị Thùy, hầu hết nhân viên y tế trường học đều tham gia vào hoạt động chuyên môn. Bản thân chị thường hỗ trợ về mảng công nghệ thông tin, làm các video dự thi. Bất kể nhà trường giao nhiệm vụ gì đều cố gắng hoàn thành.

Thời điểm chống dịch COVID-19, nhiều nhân viên y tế trường học cũng tham gia hỗ trợ các y bác sĩ. Dù không được hưởng chế độ như cán bộ ngành y, thế nhưng công việc chung nên ai cũng chấp nhận.

Buổi tập huấn sơ cứu cho học sinh của các nhân viên y tế học đường. Ảnh: NVCC

Chị Thùy cho biết: "Mặt bằng chung của các nhân viên y tế trường học là trung cấp điều dưỡng rồi học thêm trung cấp y sĩ. Nhiều người còn học lên cao đẳng rồi đại học.

Mình đang đăng ký học lên cao đẳng, nhưng khi có thông tư mới thì cũng chẳng biết phải làm như thế nào. Theo thông tư mới thì xếp vị trí phục vụ không khác gì bảo vệ".

Cũng theo chị Thùy, khi nhận thông báo về thông tư mới của Bộ GDĐT, các nhân viên y tế như chị vừa tủi thân, vừa hoang mang. Cống hiến bao nhiêu năm, có đủ bằng cấp, chứng chỉ nhưng được xếp vào nhóm hỗ trợ, phục vụ nên thấy không công bằng. Chỉ mong các lãnh đạo quan tâm, xét đúng văn bằng đã xét tuyển.

Trăn trở

Cùng tâm trạng hoang mang trước chính sách mới, chị Nguyễn Thị Vân (Trường Phổ thông DTNT THCS Định Hóa) cho biết, bản thân đã cống hiến gần 20 năm cho ngành y tế học đường.

Theo chị Vân, công tác tại các trường vùng cao vốn dĩ đã khó khăn. Trước thông tư mới của Bộ GDĐT, các nhân viên y tế học đường đều rất trăn trở.

"Các nhân viên y tế học đường giờ cũng không biết mình thuộc lĩnh giáo dục hay y tế. Khi xét tuyển có đầy đủ bằng cấp, nhưng giờ lại xếp vào vị trí phục vụ thì rất bất công. Tôi lúc thi tuyển vào đã làm trung cấp điều dưỡng, rồi cố gắng học y sĩ đa khoa, giờ đã học xong cao đẳng điều dưỡng.

Mọi người rất lo lắng về tiền lương, các đãi ngộ khác. Chúng tôi mong muốn Bộ GDĐT quan tâm đến các nhân viên y tế học đường", chị Vân cho hay.

Tập huấn sơ cứu cho học sinh tại trường học. Ảnh NVCC

Mới đây, trả lời phỏng vấn Báo Lao Động, TS Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý giáo dục cho biết, xuất phát từ vai trò quan trọng của công tác y tế học đường và nguyện vọng của đội ngũ nhân viên y tế học đường, Bộ GDĐT đã tiếp tục đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu, sửa đổi Thông tư số 12, điều chỉnh vị trí “y tế học đường” từ danh mục hỗ trợ, phục vụ sang danh mục vị trí việc làm chuyên môn dùng chung để bảo đảm chế độ, chính sách cho đội ngũ này khi tuyển dụng.

Ngày 30.10.2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập; Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập. Trong đó, y tế học đường không thuộc nhóm vị trí việc làm được định biên trong cơ sở giáo dục mà thuộc nhóm hỗ trợ, phục vụ và thuộc nhân viên hợp đồng tùy theo nhu cầu của đơn vị.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn