MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trong đại dịch, giáo viên mầm non tư thục xoay đủ nghề, mong thoát cảnh "rao bán trường". Ảnh: Bảo Hân.

Nhặt từng đồng tiền lẻ, giáo viên mong thoát cảnh rao bán trường

Tường Vân LDO | 24/11/2021 12:15

Trong khi hàng loạt chủ trường mầm non tư thục từ Bắc chí Nam phải rao bán, sang nhượng trường với giá rẻ, thì nhiều giáo viên cũng phải làm đủ nghề để duy trì cuộc sống.

Bao giờ đến lượt mình phải rao bán trường?

Những ngày này, khi đọc hàng loạt tin rao bán trường, sang nhượng trường mầm non tư thục trên khắp các diễn đàn, hội nhóm, chị Nguyễn Hương Giang, chủ nhóm lớp mầm non tư thục Gia Linh (Mê Linh, Hà Nội) không khỏi chạnh lòng, xót xa cho đồng nghiệp, cho chính bản thân vì chị cũng đang phải gồng gánh từng ngày để trụ lại giữa đại dịch.

Nguồn tài chính kiệt quệ, áp lực các nguồn thu, chi đè nặng lên đôi vai khiến chị buộc chuyển hướng kinh doanh online. Chị kêu gọi giáo viên trong trường cùng tham gia bán rau để kiếm thêm tiền trang trải cho cuộc sống. Mỗi mớ rau được bán ra chỉ từ 5 - 7 nghìn đồng. Thu gom, nhặt nhạnh, ngày bán chạy cũng chỉ được khoảng 200.000 đồng. 

Thu nhập vốn đã ít, không ổn định, thời gian gần đây, rau xanh tăng giá, người dân cũng vì thế mà hạn chế mua hàng. Thậm chí, 2 - 3 hôm chị mới bán được 1 đơn hàng. Vừa nhặt nhạnh tiền bán rau, chị vừa phải chạy vạy vay mượn tiền bạn bè, người thân với hy vọng không bị đổ gục, không phải nhắc đến từ "rao bán trường". 

Cô Giang và các giáo viên nhóm trẻ mầm non tư thục Gia Linh (Mê Linh, Hà Nội), bán rau trong thời gian trường học đóng cửa. Ảnh: NVCC.

Dù được chủ nhóm tạo điều kiện, hỗ trợ việc kinh doanh online, nhưng giáo viên tại nhóm trẻ mầm non tư thục Gia Linh hiểu rõ những khó khăn, áp lực mà trường đang phải đối diện.

"Tôi cố bám trụ trên này là vì yêu nghề, yêu trẻ. Chứng kiến hàng loạt trường mầm non phải giải thể, rao bán vừa thương mà vừa sợ. Thương cho đồng nghiệp, thương cho tâm huyết cả đời người nay mất trắng. Tôi cũng hoang mang vô cùng, không biết rơi vào trường hợp đấy mình sẽ phải xử lí như thế nào. 

Hiện tại dù khó khăn, nhưng ít nhất, chủ trường chưa đóng cửa, tôi vẫn còn hy vọng 1 ngày được trở lại với trường lớp" - chị Nhàn - giáo viên nhóm trẻ mầm non tư thục Gia Linh - xót xa. 

“Cô ơi, bao giờ trường mở cửa”

Ròng rã hơn 6 tháng kể từ khi trường học đóng cửa, không ngày nào chị Nga - chủ nhóm trẻ mầm non tư thục Việt Nhật (Phú Diễn, Hà Nội) không nhận được câu hỏi “cô ơi, bao giờ trường mở cửa”. Thậm chí không ít lần chị nhận được đề nghị của phụ huynh: “Cô ơi, hay học chui đi,…”.

Phụ huynh sốt ruột vì con không được đến trường 1, thì chủ trường như chị Nga sốt ruột gấp trăm, gấp nghìn lần bởi mỗi ngày trôi qua, số tiền thua lỗ tăng lên theo cấp số nhân khiến không ít lần chị định từ bỏ.

Trên các hội nhóm, trường mầm non tư thục 3 miền Bắc - Trung - Nam đồng loạt rao bán. Ảnh: Tường Vân.

“Rất nhiều lần tôi có ý định rao bán trường, "sang nhượng" giáo viên. Gần 20 năm dồn mọi tâm huyết, đầu tư tiền tỉ mà giờ rao bán để thu lại tiền chục triệu mà đứt ruột. Mình đã gắn bó với sự nghiệp giáo dục, gắn bó với học sinh, không đành lòng bán trường, sang nhượng giáo viên” – chị Nga bày tỏ.

Không muốn chứng kiến tâm huyết mình xây dựng hàng chục năm qua sụp đổ, chị Nga chấp nhận đi bưng bê, phục vụ tại 1 nhà hàng từ sáng đến tối khuya  mới trở về nhà.

Từ chủ một nhóm trẻ mầm non quy mô 60-70 cháu, giờ phải lao động chân tay vất vả để thu về 20.000 - 30.000 đồng/ giờ làm với chị quả là điều không dễ dàng. Thế nhưng mỗi ngày trôi qua, nhìn bao đồng nghiệp rơi rụng dần, chị lấy đó làm động lực để cố gắng bám trụ với nghề, nhưng cũng xót xa, lo lắng cho mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn