MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhiều cơ hội và thách thức khi thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa

Đặng Chung LDO | 05/03/2020 07:30
14h ngày 5.3, Báo Lao Động sẽ tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa: Thuận lợi và thách thức”. Chương trình sẽ được tường thuật trực tiếp trên Báo Lao Động điện tử (http://laodong.vn).

Nghị quyết số 88/2014 của Quốc hội chủ trương “xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa, có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học”, “khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông”; lộ trình thực hiện từ năm học 2020-2021.

Thực hiện theo Nghị quyết số 88, đến thời điểm này, đã có 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 của một số nhà xuất bản được thẩm định và ban hành, nhằm chuẩn bị cho việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.

Nhìn lại quá trình thực hiện của Bộ Giáo dục và Đào tạo đến thời điểm hiện nay, về cơ bản đã đúng theo Nghị quyết 88 Quốc hội đã đề ra. Để kịp triển khai chương trình giáo dục phổ thông từ năm học 2020-2021, chúng ta sẽ còn trải qua một số giai đoạn như các nhà xuất bản giới thiệu sách giáo khoa, các trường tiểu học tổ chức nghiên cứu, lựa chọn sách, tập huấn cho giáo viên...

 Giáo viên nghiên cứu, thảo luận về việc chọn sách giáo khóa lớp 1. Ảnh: TAN

Tranh thủ thời gian học sinh nghỉ học để phòng dịch COVID-19, các cơ sở giáo dục đang gấp rút triển khai nghiên cứu các bộ sách giáo khoa lớp 1 để thực hiện việc lựa chọn sách theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Thông tư số 01/2020.

Phía các đơn vị tham gia biên soạn, phát hành sách giáo khoa cũng đang hoàn tất việc kê khai giá để có thể công khai đến phụ huynh học sinh cả nước.

Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều vấn đề đặt ra. Làm thế nào để việc lựa chọn sách giáo khoa được chính xác, khách quan, bảo đảm sách giáo khoa phù hợp với học sinh và giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục?

Làm thế nào tạo được môi trường và cơ chế minh bạch, để thực sự xóa độc quyền trong việc biên soạn, xuất bản sách giáo khoa; để các tổ chức, cá nhân biên soạn sách cạnh tranh với nhau bằng chất lượng?

Đặc biệt, việc tính toán giá sách giáo khoa mới nên như thế nào để vừa đảm doanh nghiệp có thể “sống được”, tiếp tục tham gia làm sách, vừa đảm bảo quyền lợi của phụ huynh học sinh?

Từ những lý do này, 14h ngày 5.3, Báo Lao Động tổ chức tọa đàm với chủ đề “Xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa: Thuận lợi và thách thức”.

Chúng tôi hy vọng, thông qua buổi tọa đàm này, các chuyên gia sẽ cùng bàn luận, đưa ra góc nhìn, cũng như giải pháp, trên tinh thần vừa đảm bảo doanh nghiệp có thể “sống được” để tiếp tục viết sách, vừa đảm bảo mục tiêu trong tương lai sẽ chọn được những bộ sách giáo khoa tốt nhất cho học sinh. 

Buổi tọa đàm có sự tham dự của các khách mời:

- Bà Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

- TS Đỗ Thị Thanh Hà – Viện trưởng Viện dư luận Xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương.

- PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- PGS-TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính).

- GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018, Chủ biên sách Tiếng Việt 1 bộ sách “Cánh Diều”...

- Đại diện tổ chức xuất bản: VEPIC

- Giáo viên dạy lớp 1 ở Hà Nội

Chương trình sẽ được tường thuật trực tiếp trên Báo Lao Động điện tử (http://laodong.vn).

Mọi câu hỏi cho khách mời, bạn đọc vui lòng gửi về địa chỉ email: toasoan@laodong.com.vn

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn