MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ hỏi thăm một số học sinh là tác giả, nhóm tác giả tham dự cuộc thi. Ảnh: HN

Nhiều đề tài “khủng” tại Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật dành cho học sinh trung học

HUYÊN NGUYỄN LDO | 10/03/2018 18:28

Ngày 10.3, tại T.P Vinh (Nghệ An), Bộ GDĐT phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An khai mạc Cuộc thi Khoa học, Kĩ thuật (KHKT) cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2017 - 2018 khu vực phía Bắc.

Diễn ra từ ngày 10 – 13.3, Cuộc thi KHKT khu vực phía Bắc năm nay có 34 đơn vị tham gia dự thi, trong đó có 30 sở GDĐT các tỉnh, 4 trường đại học với 249 dự án tham gia dự thi; tăng 9 dự án so với năm học 2016 - 2017. Trong đó, cấp THPT có 198 dự án của 375 học sinh thực hiện; cấp THCS có 51 dự án của 100 học sinh thực hiện. Các dự án dự thi ở 22 lĩnh vực.

Tại cuộc thi lần này, lĩnh vực Kỹ thuật -  Cơ khí tiếp tục có số dự án nhiều nhất. Các dự án cơ khí tập trung vào các ứng dụng thực tiễn trong nông nghiệp, gắn với thực tiễn lao động sản xuất.

 
 
 

Các dự án về môi trường, hoá – sinh có xu hướng nghiên cứu về cây bản địa và công dụng, kinh nghiệm dân gian ứng dụng trong cuộc sống, điều trị bệnh như: Xác định đột biến gen đặc thù ở trẻ em khiếm thính bẩm sinh bằng kỹ thuật DNA – micro array và giải trình tự thế hệ mới ứng dụng trong sàng lọc cộng đồng; Nghiên cứu kháng ung thư của Saponin trong cây bảy lá một hoa; Nghiên cứu hoạt tính chống oxi hoá; kháng viêm, kháng tế bào ung thư của cây dền gai; Tác dụng chống oxy hoá, kháng khuẩn và chống ung thư của hỗn hợp chất chiết từ cây mít lá đen và cây tam thất hoang....

 
 

Lĩnh vực xã hội hành vi được các tác giả/nhóm tác giả dự án đi nhiều vào công tác giáo dục học đường, tâm sinh lý lứa tuổi, tâm lý giới, kỹ năng sống… như: Tác động của hiện tượng “ném đá” trên mạng xã hội đối với học sinh THPT trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; Hiện tượng cuồng thần tượng ở học sinh trung học trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; Một số giải pháp nhằm ứng phó với bạo lực ngôn ngữ học đường; Mối liên hệ giữa nhận thức của các bậc phụ huynh với yếu tố bằng cấp; Hội chứng “thao túng tinh thần”; Những giải pháp tác động làm giảm tình trạng trẻ vị thành niên tại tỉnh Điện Biên muốn bỏ học đi lao động bất hợp pháp ở nước ngoài.

 
 

Không chỉ quan tâm đến lĩnh vực “nóng” khác, nhiều vấn đề liên quan tới giáo dục đạo đức, lỗi sống cũng được nhiều học sinh quan tâm như: Giáo dục tình yêu biển đảo qua việc sáng tạo ra truyện tranh: Gạc Ma và những người anh hùng...

 
 

Phát biểu tại lễ khai mạc, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ hi vọng rằng, thông qua hoạt động này, chúng ta sẽ có nhận thức mới về chất lượng giáo dục, mở rộng về không gian, thời gian và hình thức hoạt động dạy học, thúc đẩy việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá trong các nhà trường, đồng thời khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học, các tổ chức nghiên cứu khoa học và các cá nhân tham gia vào hoạt động giáo dục của trường phổ thông. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn