MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngày 26.7, Bộ GDĐT đã công bố điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Ảnh: Hải Nguyễn

Nhiều địa phương có chênh lệch lớn giữa điểm học bạ và điểm thi THPT

Đặng Chung LDO | 27/07/2021 22:29

Phân tích kết quả đối sánh điểm học bạ lớp 12 và điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 của các tỉnh/thành cho thấy, hầu hết các địa phương đều có độ "vênh" giữa 2 điểm này. Ở nhiều môn có điểm chênh lệch lớn hơn 1 điểm.

Hầu hết địa phương đều có điểm học bạ cao hơn điểm thi thực tế

Tối 27.7, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) công bố kết quả đối sánh giữa điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ.

Đây là năm thứ hai, Bộ GDĐT thực hiện việc này và coi đây làm một trong những chỉ số đánh giá chất lượng, là cách để “siết” việc làm đẹp điểm học bạ, chạy theo thành tích của các trường phổ thông.

Từ kết quả đối sánh mà Bộ GDĐT vừa công bố, có thể thấy các tỉnh đều có sự chênh lệch theo hướng điểm học bạ cao hơn điểm thi thực tế, ở hầu hết các môn.

Giáo dục công dân là môn duy nhất có điểm thi tốt nghiệp THPT cao hơn điểm học bạ. Cụ thể, trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT là 8,372, trong khi điểm trung bình học bạ lớp 12 là 8,182 (-0,190).

Còn các môn khác, trung bình điểm thi luôn thấp hơn điểm học bạ. Đặc biệt, Lịch sử chính là môn có điểm chênh lệch lớn nhất, theo hướng điểm thi thấp hơn điểm học bạ.

Điểm trung bình trong kỳ thi tốt nghiệp THPT của cả nước môn Lịch sử là 4,971, trong khi đó điểm trung bình học bạ là 7,659 (chênh 2,689).

Trong kỳ thi năm nay, Lịch sử là môn có điểm thi thấp nhất. Nhiều giáo viên đã nhận định rằng đề thi môn Lịch sử năm nay tăng độ khó so với năm 2020, Ngoài ra, vấn đề dạy và học môn Lịch sử cũng là một vấn đề nan giải của giáo dục phổ thông ở Việt Nam hiện nay.

Điểm trung bình môn Lịch sử 4 năm trở lại đây. Ảnh: Đ.Chung

Về phía các địa phương thì hầu hết các tỉnh, thành đều có điểm chênh lệch theo hướng điểm thi thấp hơn điểm học bạ. Ở nhiều môn có điểm chênh lệch lớn hơn 1 điểm.

Bình Dương là địa phương có điểm chênh lệch thấp nhất ở hầu hết các môn thi. Trong đó có nhiều môn, điểm trung bình trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 còn cao hơn điểm học bạ như: Môn Toán, Hóa học, Giáo dục công dân, tiếng Anh.

Địa phương này cũng nằm trong top những tỉnh/thành có điểm thi cao nhất cả nước ở nhiều môn thi trong nhiều năm nay.

So sánh điểm thi và điểm học bạ ở môn Toán.

Ngoài ra, Tây Ninh có điểm thi cao hơn điểm học bạ ở môn Ngữ văn (điểm thi là 6,971; điểm học bạ là 6,885). Bắc Kạn có điểm thi cao hơn điểm học bạ ở môn Vật lý (điểm thi là 6,642; còn điểm học bạ là 6,521);

Ở chiều ngược lại, một số địa phương thường xuyên nằm trong top nhưng tỉnh, thành có điểm học bạ cao hơn điểm thi. Long An chênh lệch lớn ở môn Vật lý (chênh 1,905 - điểm học bạ là 8,021 còn điểm thi là 6,120). Tỉnh này cũng có điểm chênh lệch lớn ở môn Sinh học (chênh 2,103).

Hà Nội là địa phương có điểm chênh lệch lớn ở môn Sinh học (chênh 3,184 điểm - trung bình điểm thi là 5,033; trong khi trung bình điểm học bạ lên tới 8,217). Hà Nội cũng là địa phương nằm trong top 3 tỉnh/thành có điểm trung bình môn Sinh học thấp nhất cả nước trong kỳ thi năm nay.

Kết quả đối sánh điểm môn tiếng Anh. Nguồn: Bộ GDĐT

Kết quả học tập môn Tiếng Anh và môn Lịch sử của học sinh còn hạn chế

Theo đánh giá của Bộ GDĐT, về cơ bản trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và trung bình điểm học bạ lớp 12 theo từng môn học có sự tương đồng và khoảng cách được thu hẹp hơn so với năm 2020.

Nhiều môn ở nhiều tỉnh/thành phố có chênh lệch trên dưới 1 điểm. Điều đó cho thấy việc dạy học và kiểm tra, đánh giá ở các trường phổ thông về cơ bản đáp ứng yêu cầu đánh giá đúng năng lực của học sinh.

Theo Bộ GDĐT, đối với các môn có kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021 còn thấp, như Tiếng Anh, Lịch sử, mức chênh lệch giữa điểm học bạ và điểm thi có phần cao hơn các môn khác. Điều đó có nghĩa, việc dạy học và kiểm tra, đánh giá trong trường phổ thông chưa tương đồng với thi tốt nghiệp THPT.

“Qua đó thấy rằng, kết quả học tập môn Tiếng Anh và môn Lịch sử của học sinh còn hạn chế; quá trình kiểm tra, đánh giá các môn này trong trường phổ thông có phần "rộng" hơn”- Bộ GDĐT đánh giá.

Cũng theo Bộ GDĐT nếu môn nào, ở tỉnh nào kết quả còn thấp và có sự chênh lệch lớn thì cần tiếp tục điều chỉnh việc dạy học để nâng cao chất lượng. Sở GDĐT và các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh đó cũng cần điều chỉnh việc kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học bảo đảm sát hơn với năng lực của học sinh.

(Xem chi tiết kết quả đối sánh điểm TẠI ĐÂY)

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn