MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chương trình Sữa học đường đang được nhiều tỉnh thành tiếp tục triển khai cho năm học mới. Ảnh: Minh Anh

Nhiều địa phương triển khai chương trình Sữa học đường cho năm học mới

HUYÊN NGUYỄN LDO | 30/06/2020 13:07
Hiện tại, nhiều địa phương đã lên kế hoạch tiếp tục triển khai chương trình Sữa học đường.

Chương trình Sữa học đường thời gian qua đã được triển khai ở nhiều tỉnh thành mặc dù còn gặp một số khó khăn như vấn đề kinh phí, phụ huynh còn lo lắng về chất lượng sữa, quá trình triển khai... Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, chương trình này đang tiếp tục triển khai cho năm học mới với kỳ vọng sẽ giúp phát triển cải thiện thể lực và tầm vóc cho thế hệ tương lai của đất nước.

Tại Khánh Hoà, Sở GDĐT đã quyết định về việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu gói thầu Cung ứng sữa năm học 2020-2021. Tổng mức đầu tư là gần 3,5 tỉ đồng. Quy mô dự án là cung cấp sữa tươi tiệt trùng có đường cho các trường mầm non thuộc địa bàn 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh.

Trong khi đó, Sở GDĐT TPHCM cũng đang thực hiện khảo sát một số nội dung trong khuôn khổ Đề án Chương trình Sữa học đường tại 10 quận, huyện.

Nội dung trên được thực hiện theo chỉ đạo của Ban Văn hóa Xã hội, Hội đồng Nhân dân TPHCM với các nội dung: Số liệu học sinh uống sữa (trong và ngoài khuôn khổ Đề án) ở bậc học mẫu giáo và mầm non, lớp 1 trên địa bàn tại thời điểm hiện nay; Số lượng trẻ uống không hết 180ml sữa/1 lần; nguyên nhân các trường không tham gia.

Đề án Chương trình Sữa học đường được triển khai tại 10 quận, huyện vùng ven ngoại thành TPHCM từ đầu năm học 2019-2020. Tuy nhiên, theo báo cáo của Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng Nhân dân TPHCM được công bố ngày 24.6, thực tế trong năm học chỉ được thực hiện khoảng 5 tháng, do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Thống kê cho thấy ở học kỳ 1 có hơn 52% số học sinh thuộc đối tượng trẻ mầm non và học sinh lớp 1 tham gia. Sang học kỳ 2, còn hơn 45% trẻ tham gia uống sữa học đường (giảm khoảng 7%).

Hiện tại, số lượng sữa cung ứng cho chương trình sữa học đường còn lại trong năm học ước khoảng 8 triệu hộp. Một số đề xuất đưa số sữa này triển khai cho những tháng đầu năm học sau nếu chương trình được tiếp tục. 

Là một trong những tỉnh thực hiện chương trình sớm nhất từ năm 2013, Sở GDĐT tỉnh Bắc Ninh cũng xây dựng 2 phương án triển khai cho giai đoạn 2020-2025 với tổng kinh phí dự kiến từ 985 tỉ đồng đến 1.500 tỉ đồng.

Chương trình Sữa học đường được triển khai tại 6 huyện miền núi khó khăn của tỉnh Quảng Nam từ đầu tháng 6.2020.

Theo thống kê, đến cuối năm học 2019-2020, cả nước có khoảng 25 tỉnh, thành phố thực hiện. Tuy được đánh giá là chính sách nhân văn, nhưng cũng còn một số vấn đề gây tranh cãi dư luận như việc bổ sung 3 hay 21 vi chất vào sữa học đường, giá đấu thầu...

Việc tiếp nhận, bảo quản, bàn giao sữa, tổ chức cho trẻ uống sữa còn phức tạp, mất nhiều thời gian của cán bộ giáo viên (trong khi thù lao cho việc này rất thấp) làm ảnh hưởng nhất định đến công việc chăm sóc, giáo dục trẻ. Việc xử lí vỏ sữa cũng cần nghiên cứu để tránh ảnh hưởng đến môi trường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn