MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều điểm mới đổi bật so với Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Ảnh: Vân Trang

Nhiều điểm mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018

Tường Vân LDO | 21/02/2023 12:57

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều điểm mới nổi bật so với Chương trình giáo dục phổ thông 2006.

10 điểm mới nổi bật

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), có 10 điểm mới quan trọng của Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 so với Chương trình GDPT 2006.

Các điểm mới liên quan đến: Quan điểm, mục tiêu của Chương trình GDPT; nội dung và thời lượng giáo dục; phương pháp dạy học; vai trò sách giáo khoa; vai trò của giáo viên; yêu cầu với học sinh; yêu cầu đối với cha mẹ học sinh; vai trò chủ động của cơ sở giáo dục; điều kiện về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học; trách nhiệm của địa phương.

Điểm mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và yêu cầu trong triển khai thực hiện. Ảnh: Vân Trang

Trong đó, điểm nổi bật của Chương trình GDPT 2018 là quan điểm dạy học theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất, được cụ thể hóa bằng những yêu cầu cần đạt ở từng môn học, cấp học thay vì định hướng nội dung, dạy học theo mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng như trước đây.

Đồng thời, tăng quyền tự chủ cho địa phương, cơ sở giáo dục và giáo viên với mục tiêu giúp học sinh làm chủ kiến thức phổ thông.

Nhiều điểm sáng trong triển khai chương trình mới

Chia sẻ về cảm nhận sau thời gian triển khai chương trình mới, học theo sách giáo khoa mới, cô Phạm Thu Huyền, giáo viên Ngữ văn Trường THCS Bế Văn Đàn (Hà Nội) chia sẻ:

"Đổi mới chương trình, sách giáo khoa là một chuyển đổi lớn và là tất yếu, không thể cưỡng lại được, giáo viên dù vất vả nhưng đó là giáo dục đòi hỏi. Dạy theo tiếp cận năng lực là xu thế, không thể thay đổi. Đặc biệt, thời kỳ công nghệ đòi hỏi thầy cô phải dạy bằng phương pháp, kỹ năng, tư cách đạo đức của chính mình”.

 Học sinh thích thú khi được học sách giáo khoa mới, chương trình mới. Ảnh: Vân Trang

Dưới góc nhìn của nhà quản lí giáo dục, cô Nguyễn Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội) cho rằng, thuận lợi lớn nhất là chương trình là trao quyền tự chủ cho nhà trường và giáo viên, giúp nhà trường và giáo viên chủ động xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với điều kiện thực tế trên cơ sở bảo đảm mục tiêu, nội dung, yêu cầu cần đạt của chương trình.

“Chương trình mới phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đổi mới, có tính khả thi cao, phù hợp với điều kiện của nhà trường. Nội dung kiến thức có tính ứng dụng thực tế nên học sinh hứng thú tiếp nhận kiến thức, phát huy được năng lực của học sinh” – cô Thuý chia sẻ.

Những nút thắt cần tháo gỡ

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Chương trình GDPT 2018 tại các nhà trường, địa phương còn gặp nhiều khó khăn.

Chẳng hạn tại tỉnh Bắc Kạn, ông Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, khó khăn mà địa phương gặp phải trong quá trình triển khai chương trình mới là đội ngũ giáo viên hiện còn thiếu về số lượng, chưa đồng bộ về cơ cấu theo từng môn học, cấp học, vẫn còn một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ được đào tạo theo Luật Giáo dục 2019;

Đặc biệt là cấp tiểu học, thiếu giáo viên dạy môn Tin học, tiếng Anh đối với lớp 3. Bên cạnh đó, còn thiếu giáo viên ở một số môn học khác do chưa tuyển dụng đủ số lượng nên nhiều giáo viên vẫn phải dạy vượt định mức và phải sử dụng thêm đội ngũ giáo viên hợp đồng.

Còn tại Trường THCS & THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội), cô Nguyễn Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng nhà trường nhận định, khó khăn lớn nhất trong quá trình triển khai Chương trình GDPT 2018 là sự thiếu ổn định về đội ngũ giáo viên, khi giáo viên vẫn có tâm lý muốn vào trường công hoặc muốn chuyển đổi công việc ngay trong hệ thống trường tư.

Ngoài ra, sự chênh lệch về tuổi tác, thế hệ giáo viên cũng dẫn tới khó khăn trong tập huấn tiếp cận chương trình. Bên cạnh đó, học sinh vào lớp 10 lựa chọn tổ hợp cảm tính.

Lắng nghe những ý kiến đóng góp, phản hồi của cơ sở, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, Chương trình GDPT 2018 có mục tiêu cốt lõi cần đạt tới ngay, nhưng cũng có việc chúng ta cần từng bước chuẩn bị để đạt tới.

Chương trình thay đổi lớn, nhưng trong thực hiện không nên cực đoan, chuyển từ cực này sang cực khác, mà cần hài hòa, kế thừa những tích cực từ cái cũ.

Ví dụ, tránh cực đoan trong chuyển từ giáo dục nặng về trang bị kiến thức sang chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực người học. Kiến thức cũng có giá trị quan trọng, phải có kiến thức mới hình thành được năng lực, chỉ có điều không phải lấy kiến thức làm mục tiêu…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn