MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mức lương giáo viên thấp khiến nhiều người gặp không ít khó khăn. Ảnh minh hoạ: Nguyễn Ly

Nhiều giáo viên bỏ nghề vì mức lương quá thấp

HƯƠNG SƠN LDO | 17/10/2023 13:29

Ngày 17.10, Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM đã có buổi tiếp xúc cử tri ngành giáo dục, ngành y tế trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV. Nhiều ý kiến được các cử tri ngành giáo dục thành phố đưa ra, trong đó vấn đề tiền lương giáo viên thấp không đáp ứng đủ mức sống đang là bài toán nóng mà ngành giáo dục gặp phải.

Tại buổi tiếp xúc, ông Lương Văn Minh - Hiệu trưởng Trường THPT Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, TPHCM nêu vấn đề tiền lương hiện nay chưa hợp lý. Hệ số trung bình quá thấp nên chưa cải thiện được đời sống, chưa khuyến khích được cán bộ, công chức và người lao động có hệ số lương thấp.

"Hệ thống thang, bảng lương hiện nay còn rườm rà, khoảng cách giữa các bậc lương chênh lệch không đáng kể so với thời gian nâng bậc. Một số chế độ phụ cấp chưa phù hợp, hệ số lương khởi điểm các ngạch có trình độ đại học 2,34; ngạch nhân viên văn thư 1,35; nhân viên phục vụ 1,0 là quá thấp chưa khuyến khích người lao động sáng tạo, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ", ông Minh nêu.

Ngoài ra, hiện nay, viên chức công tác tại các trường THPT ở các vị trí như y tế, văn thư, thư viện, công nghệ thông tin có phụ cấp đặc thù ngành nhưng vẫn còn thấp. Một số vị trí khác chỉ nhận lương theo hệ số lương cơ sở không có phụ cấp thâm niên, phụ cấp ngành.

Mặt khác, nhiều trường không có nguồn lực để chi trả hợp đồng nhân viên bảo vệ theo diện hợp đồng của Nghị định 111 nên vô cùng khó khăn.

Góp ý cho dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội, ông Lương Văn Minh bày tỏ khó khăn tại điểm a, khoản 1, Điều 3 yêu cầu đóng bảo hiểm xã hội với hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên. Theo ông Minh, đây là lao động thời vụ nên trích đóng bảo hiểm xã hội rất khó.

Còn bà Trần Thị Lợi - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lâm Văn Bền (huyện Nhà Bè) - bày tỏ khó khăn đối với các vị trí như nhân viên văn thư, kế toán, y tế, thủ quỹ. Theo quy định, các trường từ 28 lớp trở lên được bố trí tối đa 3 người, trường dưới 28 lớp tối đa 2 người. Điều này gây khó khăn cho các trường dưới 28 lớp trong việc bố trí nhân sự đảm bảo đúng chuyên môn, nghiệp vụ.

Cùng với đó, các trường khó tuyển dụng nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật và chức danh nhân viên công nghệ thông tin do vị trí việc làm này không có ứng viên đáp ứng trình độ, đồng thời lương, phụ cấp của các vị trí này thấp.

Bà Lợi đề xuất các trường tiểu học được bố trí tối đa 3 nhân viên ở các vị trí văn thư, kế toán, y tế, thủ quỹ. Đồng thời, vị hiệu trưởng cũng kiến nghị tất cả viên chức làm việc trong ngành giáo dục đều được hưởng thâm niên nghề (kể cả viên chức là nhân viên văn phòng).

Ông Dương Trí Dũng - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, đồng tình ý kiến của các cử tri. Theo ông Dũng, để tạo bước đột phá, các đơn vị tự chủ cần có nhiều cơ chế giúp cho đơn vị quản lý sử dụng tài sản công, cơ chế tiền lương, cơ chế đối với quản lý sử dụng biên chế các hợp đồng lao động tại các đơn vị.

"Đối với trường tư thục, lực lượng nhân viên rất đông, tất cả vị trí ở tư thục quy mô càng lớn thì càng đông. Từ khâu tuyển sinh đến khâu chăm sóc. Trong khi đơn vị công lập, chúng ta vẫn đang thiếu hụt, một người phải kiêm nhiệm nhiều vị trí. Chúng ta đang đi tới chuyển đổi số, nhưng kiêm nhiệm nhiều vậy rất khó thực thi nhiều nhiệm vụ rất phức tạp. TPHCM đã có nhiều chính sách nhằm thu hút nhân lực, nhưng chưa đủ và vẫn còn hiện tượng giáo viên bỏ nghề vì mức lương không đảm bảo cuộc sống", ông Dũng nhấn mạnh thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn