MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việc giáo viên đánh đập, phạt quỳ, bêu riếu, xúc phạm học sinh đều không được pháp luật cho phép. Ảnh: T.L

Nhiều giáo viên đã vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em mà không biết

Bích Hà LDO | 10/03/2018 14:29
"Theo quy định pháp luật, hành vi bắt học sinh quỳ gối đã xâm hại đến quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm của con người. Đó là phương pháp trái quy tắc, đạo đức nghề nhà giáo".

Đó là ý kiến của Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) về vụ việc cô giáo quỳ xin lỗi phụ huynh đang nhận sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Theo Luật sư Nguyễn Anh Thơm, để đánh giá một cách khách quan, toàn diện bản chất vụ việc thì cũng cần thiết phải xem xét đến nguyên nhân phát sinh, để làm căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật.

Xét hành vi của cô giáo, nếu có căn cứ xác định như lời của các phụ huynh phản ánh cô N (Trường Tiểu học Bình Chánh, Long An) phạt học sinh quỳ gối nhiều lần, có lần 10 phút, có lần cả tiết học (lúc phạt cá nhân, lúc phạt tập thể), cô dùng thước đánh vào tay học sinh... Đây là nguyên nhân gây bức xúc cho các phụ huynh.

Về hành vi khách quan, việc bắt học sinh phải quỳ gối có thể theo cô giáo là cách “dạy bảo”, nhưng về mặt pháp luật đã xâm hại đến quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm của con người. Dù các cháu còn nhỏ tuổi, nhận thức còn hạn chế nhưng không vì thế mà tự cho phép mình được dạy bảo bằng hình thức trái pháp luật và trái quy tắc đạo đức nghề giáo viên.

Có điều, hiện nay nhiều giáo viên, kể cả phụ huynh chưa nắm rõ các quy định của pháp luật về quyền trẻ em, chính vì vậy vô tình đã có những hành vi xâm phạm các quyền của trẻ. Để tránh được điều này, Luật sư Thơm dẫn chứng một số quy định của pháp luật, để giáo viên và phụ huynh lưu ý trong quá trình dạy dỗ trẻ:

Điều 16 Công ước quốc tế quyền trẻ em quy định: “Không trẻ em nào phải chịu sự can thiệp tùy tiện hay bất hợp pháp vào việc riêng tư, gia đình, nhà cửa hoặc thư tín cũng như những sự công kích bất hợp pháp vào danh dự và thanh danh của các em. Trẻ em có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại sự can thiệp hay công kích như vậy".

Điều 37 Hiến pháp 2013 quy định “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”.

Điều 27 Luật trẻ em 2016 quy định: “Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc làm tổn hại đến sự phát triển toàn diện của trẻ em”.

Theo Điều 4 Luật trẻ em đã giải thích “Bạo lực trẻ em” là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em…

Nếu vi phạm những quy định trên, tùy theo mức độ, người lớn có thể bị xử phạt hành chính đến truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn