MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Theo dự báo của Bộ GDĐT, cả nước thiếu hơn 55.400 giáo viên từ nay đến năm 2030. Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn

Nhiều giáo viên mầm non bỏ việc do lương thấp, áp lực công việc

TRÀ MY LDO | 05/04/2024 06:31

Theo báo cáo của Bộ GDĐT, khó khăn lớn nhất hiện nay là tình trạng giáo viên mầm non bỏ việc. Công tác tuyển dụng giáo viên ở nhiều địa phương không đáp ứng được nhu cầu do áp lực công việc của giáo viên mầm non rất lớn, thời gian làm việc dài, thu nhập thấp.

Dự báo thiếu hơn 55.000 biên chế giáo viên mầm non

Căn cứ vào số liệu dự báo dân số độ tuổi của Tổng cục Thống kê và theo dự báo kế hoạch phát triển giáo dục mầm non của các tỉnh, thành phố đã ban hành, Bộ GDĐT dự báo, đến năm 2030, cả nước thiếu khoảng 55.400 biên chế giáo viên mầm non.

Bộ Chính trị đã giao 13.015 biên chế giáo viên mầm non, còn 26.522 chỉ tiêu sẽ được tiếp tục giao trong giai đoạn 2024 - 2026. Tính đến hết năm 2023, các tỉnh, thành phố còn 28.413 chỉ tiêu chưa tuyển. Như vậy, tổng biên chế giáo viên mầm non cần tuyển đến năm 2026 là 54.935 chỉ tiêu.

Tuy nhiên việc tuyển dụng giáo viên mầm non tại nhiều địa phương rất khó khăn. Nhiều giáo viên bỏ việc do áp lực công việc lớn, thời gian làm việc dài, thu nhập thấp.

Về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, số liệu phòng học thiếu đến năm 2030 là 39.018 phòng. Nhu cầu kinh phí dự báo cần 32.126 tỉ đồng, tức bình quân gần 6.500 tỉ đồng mỗi năm.

Để có cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các giải pháp đáp ứng nhu cầu về nguồn lực thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo, Bộ GDĐT đã xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Phổ cập giáo dục mầm non trẻ em mẫu giáo 3 - 5 tuổi.

Dự thảo Nghị quyết có quy định cơ chế, chính sách để đảm bảo các nguồn lực thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo như chính sách cho đối tượng trẻ em yếu thế; chính sách, cơ chế cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non; cơ chế chính sách để đầu tư cho vùng khó khăn và xã hội hóa, khuyến khích phát triển giáo viên mầm non ngoài công lập…

Cần có cơ chế tốt cho đội ngũ giáo viên mầm non

Trao đổi với Báo Lao Động về thông tin của Bộ GDĐT đưa ra về việc tuyển dụng giáo viên còn nhiều khó khăn, cô Nguyễn Thị Bích Thuỷ - giáo viên Trường Mầm non Kỳ Sơn (Hà Tĩnh) - cho rằng, vấn đề về tiền lương sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới quyết định có gắn bó với nghề hay không.

"Trên thực tế có rất nhiều lí do khiến giáo viên xin nghỉ việc. Trong số các nguyên nhân, tiền lương là điều khiến nhiều giáo viên phân vân có ở lại với nghề hay không bởi vốn dĩ mức lương của giáo viên mầm non còn khá thấp" - cô Thuỷ bày tỏ.

Trước thông tin Bộ GDĐT dự báo, đến năm 2030, cả nước thiếu khoảng 55.400 biên chế giáo viên mầm non, cô Thuỷ nhận thấy, để giữ chân giáo viên không chỉ tăng thu nhập bằng việc cải cách tiền lương mà còn tạo nhiều cơ chế, chính sách tốt hơn cho đội ngũ này.

"Mọi người thường cho rằng giáo viên mầm non là nghề chịu nhiều áp lực. Có lẽ, do nhiều nguyên nhân nên đôi khi giáo viên cũng chưa đáp ứng được kì vọng của phụ huynh và xã hội. Bản thân tôi nghĩ nghề nào cũng sẽ có những áp lực, khó khăn riêng nhưng cũng hi vọng đội ngũ giáo viên mầm non sẽ có nhiều cơ chế đãi ngộ tốt hơn, giúp họ có thêm động lực cống hiến với nghề" - cô Thuỷ chia sẻ.

Đồng quan điểm với cô Thuỷ, cô Nguyễn Thị Hồng - giáo viên Trường Mầm non Tràng An (Quảng Ninh) mong muốn: "Câu chuyện giáo viên nghỉ việc trong những năm qua luôn là đề tài được rất nhiều người quan tâm. Việc các giáo viên nghỉ việc cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động dạy và học. Tôi luôn mong rằng, các giáo viên nói chung và giáo viên mầm non nói riêng sẽ được điều chỉnh mức thu nhập, có được môi trường làm việc tốt".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn