MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tuổi nghỉ hưu của giáo viên là vấn đề trăn trở của nhiều thầy cô. Ảnh: Hải Nguyễn

Nhiều giáo viên mong chờ được nghỉ hưu sớm

Phan Liên LDO | 27/03/2023 11:26

Nhiều giáo viên mong muốn được nghỉ hưu sớm, một phần là bởi suy nghĩ "giáo viên càng lớn tuổi, học sinh càng thiệt thòi".

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.

Tuy nhiên, nhiều thầy cô giáo than phiền, khi bước qua độ tuổi 50, cơ thể đã bước vào thời kỳ suy giảm sức khoẻ, giảm sút thị lực rõ rệt, dẫn đến khá vất vả để đáp ứng sự đòi hỏi và áp lực cao trong công việc giảng dạy và giáo dục học sinh hằng ngày.

Áp lực về tuổi tác, sức khỏe, chuyên môn khiến nhiều giáo viên chật vật xin được nghỉ hưu sớm.

Cô Hoàng Thị Nhất, giáo viên Trường Tiểu học Sơn Phú, Tuyên Quang đã xin nghỉ hưu sớm ở tuổi 53. Dù được đồng nghiệp và mọi người ủng hộ cố gắng dạy thêm 2 năm nữa nhưng do căn bệnh tê tay khi chạy xe đường xa cùng với áp lực trong công việc khiến cô đành phải xin nghỉ sớm.

"Cả một đời mấy chục năm sống với nghề, với đam mê như vậy là quá đủ với tôi. Giờ có tuổi, sức khỏe không được đảm bảo, không theo đuổi được chương trình dạy và những đổi mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nên cũng cần nhường lại bục giảng cho các cô giáo trẻ" - cô Nhất chia sẻ.

Tuổi nghỉ hưu giáo viên càng cao, học sinh càng chịu thiệt

Đồng nghiệp của cô Nhất là cô Vương Thị Đài, cựu giáo viên Trường Tiểu học Sơn Phú đã về hưu được hơn một năm. Dù về hưu đúng tuổi nhưng cô Đài vẫn bày tỏ sự băn khoăn khi áp dụng nghị định mới, kéo dài tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên.

Cô Đài cho rằng, chương trình giảng dạy mỗi ngày một đổi mới, yêu cầu giáo viên cũng cần nâng cao trình độ thường xuyên. Với các thầy cô giáo có tuổi, đây là thách thức lớn, gây khó khăn cho cả cô lẫn trò.

"Điều trăn trở nhất là không thể mang lại những điều mới mẻ cho chính học sinh của mình. Kinh nghiệm trong việc giảng dạy khi quá nhiều tuổi, tôi thấy học sinh cũng khó tiếp thu những truyền đạt của mình" - cô Đài tâm sự.

Từ trải nghiệm của bản thân, cô Đài cho rằng, từ ngoài tuổi 50, nhiều vấn đề về sức khỏe như thị giác, thính giác, trí nhớ gây ảnh hưởng tới chất lượng giảng dạy của giáo viên. Việc về hưu đúng tuổi 55 đã thể hiện rất nhiều những nỗ lực, cố gắng của các thầy giáo, cô giáo.

"Nếu tăng thêm số tuổi về hưu, áp lực công việc có thể khiến họ chẳng còn được khép lại hành trình "trọn vẹn" với nghề" - cô Đài chạnh lòng. 

Cô Trình Thị Vinh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hiền Lương, Phú Thọ cho biết không chỉ bản thân cô mà nhiều thầy cô hiểu rằng giáo dục là một ngành đặc thù, từ 50-55 tuổi giáo viên giảng dạy đã phải rất vất vả và cố gắng.

"Dù có dạy đến 60 tuổi thì giáo viên vẫn có thể đảm bảo được kiến thức chia sẻ cho học sinh nhưng không thể đáp ứng được các đổi mới, tiêu chí của Bộ Giáo dục và Đào tạo và xã hội đề ra. Đồng thời khó khăn trong việc truyền đạt khi giáo viên càng nhiều tuổi, khiến học sinh càng nhiều thiệt thòi

Đối với cấp mầm non càng không phù hợp, khi các em học sinh luôn mong muốn được dẫn dắt bởi các cô giáo trẻ, năng động. Các giáo viên lớn tuổi trong giai đoạn chờ được về hưu không thể đáp ứng được yêu cầu nhanh nhẹn, sáng tạo hay ngoại hình" - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hiền Lương nhấn mạnh.

Mới đây, đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội đã báo cáo gửi đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị xem xét giữ nguyên tuổi nghỉ hưu của giáo viên từ mầm non đến trung học cơ sở như trước đây. Theo đó, nam nghỉ hưu tuổi 60, nữ nghỉ hưu tuổi 55.

Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 135/2020/NĐ-CP quy định về tuổi nghỉ hưu. Và theo lộ trình, đến năm 2028 độ tuổi nghỉ hưu của nam là 62 và đến năm 2035 độ tuổi nghỉ hưu của nữ là 60.  


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn