MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhiều giáo viên nhận định bài thơ "Bắt nạt" không đáng bị bắt nạt

Mi Vân LDO | 13/10/2023 20:39

Mặc dù đã được đưa vào sách giáo khoa từ năm 2021, nhưng cứ vào đầu năm học, bài thơ “Bắt nạt" của nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh lại bị phụ huynh, giáo viên đưa ra bàn tán sôi nổi.

Nhiều phụ huynh cho rằng, yếu tố gây tranh cãi trong bài thơ này xuất phát từ cách gieo chữ lủng củng, thơ không mang vần điệu, ngôn từ không phù hợp với nhận thức học sinh lớp 6. Ngoài việc đòi loại bỏ bài thơ ra khỏi chương trình sách giáo khoa, có những phụ huynh phản ứng rất gay gắt khi tràn vào trang cá nhân của tác giả bài thơ để chỉ trích.

Bên cạnh luồng ý kiến không đồng tình, nhiều giáo viên, người có chuyên môn trong lĩnh vực Văn học lại bày tỏ sự ủng hộ với sự xuất hiện của bài thơ trong chương trình giảng dạy.

Nhiều giáo viên nhận định bài thơ “Bắt nạt” không đáng bị bắt nạt. Ảnh chụp màn hình

Cô Yên Nguyên - giáo viên tại Hà Nội - chia sẻ: “Chẳng cần phân tích gì nhiều, nhà thơ khẳng định bắt nạt là một thứ xấu xí, không cần cho ai hết (cả người bắt nạt lẫn người bị bắt nạt). Điều này thật đúng, bởi người bị bắt nạt sẽ tổn thương. Nhưng người bắt nạt cũng đâu nhận được niềm hạnh phúc từ việc hành hạ người khác. Bị căm ghét vì thói xấu bắt nạt, ấy chẳng phải là mất mát sao? Vì thế, nhìn ở phía nào cũng thấy đúng như tác giả đã nhắc “bất cứ ai trên đời/ đều không cần bắt nạt”.

Theo quan điểm của cô Nguyễn Thanh Loan - giáo viên dạy Ngữ Văn của Trường THCS Chu Văn An (Hà Nội), bài thơ “Bắt nạt” rất hay trong cả lời thơ lẫn ý nghĩa.

“Có nhiều người trao đổi với tôi về bài thơ "Bắt nạt". Bản thân tôi nhận thấy, vấn đề bắt nạt gần như là chuyện nổi cộm ở học sinh cấp 2, cấp 3 nữa. Trong thế giới người lớn, chuyện bắt nạt là không ít.

Khi nhìn thấy bài thơ này trong sách giáo khoa, tôi rất mừng. Vì có cách để nói chuyện rất đơn giản, đáng yêu và rất thơ với trẻ con lớp 6 về điều mà 2 năm nay, tôi đã không biết làm thế nào để dạy con biết phản kháng với sự bắt nạt và đừng vì thế mà đi bắt nạt người khác” - cô Loan tâm sự.

Đánh giá về việc lựa chọn bài thơ "Bắt nạt" trong chương trình sách giáo khoa Ngữ văn lớp 6, nhiều ý kiến cho rằng, bài thơ chứa đựng thông điệp nhân văn. Đồng thời, việc đưa một tác phẩm vào trong chương trình dạy học cho học sinh phải được lựa chọn và xét duyệt qua nhiều bộ phận.

Sau khi học xong bài thơ "Bắt nạt", em Nguyễn Hoàng Bảo - học sinh lớp 7, Trường THCS Đinh Xá (Hà Nam) - chia sẻ: “Em thấy rất ấn tượng bởi lời thơ giản dị, dễ hiểu. Thông qua bài thơ, tác giả đã ngầm nhắc nhở học sinh cần lên án hành động bắt nạt người khác”.

Cô Nguyễn Thị Ngát - giáo viên dạy Ngữ văn cấp THCS tại Quảng Ninh - cho rằng, bài thơ "Bắt nạt" gồm 8 khổ, mỗi khổ gồm 4 dòng ngắn gọn với nội dung đề cập đến những mặt tiêu cực của việc đi bắt nạt và được trình bày với câu từ dí dỏm, vui tươi.

“Bài thơ hoàn toàn phù hợp với nhận thức của học sinh. Qua bài thơ, học sinh sẽ được giáo dục về cách ứng xử văn minh hơn trong cuộc sống.

Cá nhân tôi thấy để thưởng thức thơ, mỗi người sẽ có cảm nhận khác nhau. Ngoài ra, việc lựa chọn một văn bản để đưa vào chương trình sẽ phải thông qua cả hội đồng biên soạn sách, những người có kinh nghiệm đóng góp và chỉnh sửa. Do đó, mọi người không nên phản ứng dữ dội với bài thơ và cả chính tác giả của bài thơ” - cô Ngát chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn