MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhiều ngành học có điểm chuẩn "rớt" thảm, trường cũng "bó tay"

Tường Vân LDO | 30/09/2021 11:51

Trong bức tranh tổng thể của mùa tuyển sinh năm nay, những ngành vốn là thế mạnh đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học có số lượng chỉ tiêu tuyển sinh cũng như điểm chuẩn xét tuyển rất thấp. Trong khi những ngành mới mở lại có điểm chuẩn tăng vọt.

Báo động điểm đầu vào của nhiều ngành khoa học cơ bản

Đơn cử như Trường Đại học Mỏ - Địa chất, một số ngành đào tạo chủ chốt, có truyền thống của nhà trường như: Kỹ thuật trắc địa - bản đồ, Địa kỹ thuật xây dựng, Kỹ thuật mỏ, Quản lý đất đai, Địa chất học,… có điểm chuẩn năm nay chỉ đạt mức 15 điểm, thấp hơn 5 điểm so với điểm chuẩn ngành Công nghệ thông tin.

Hay tại Trường Đại học Thủy lợi, ngành Công nghệ thông tin có điểm chuẩn tới 25,25 điểm, cao hơn khoảng 9 điểm so với các ngành đào tạo chủ lực, có truyền thống của nhà trường như Thủy văn học (16,85 điểm), Kỹ thuật hóa học (16,15 điểm), Kỹ thuật môi trường (16,05 điểm),....

Tương tự, điểm chuẩn của một số  nhóm ngành như Thủy văn, Khí tượng, Trắc địa, Lâm nghiệp, Nông nghiệp... cũng ở mức thấp so với mặt bằng chung của năm nay, dao động từ 15-17 điểm. 

Không chỉ số lượng chỉ tiêu ít, điểm chuẩn thấp, tỉ lệ thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học cũng thấp một cách đáng e ngại. Ghi nhận của Lao Động tại một số cơ sở giáo dục đại học, nếu nhiều năm trước, các ngành học truyền thống tuyển sinh đủ 2-3 lớp thì một vài năm nay rơi vào cảnh khi kết thúc kỳ tuyển sinh, có cơ sở đào tạo thừa nhận chỉ có 3, 4 em đăng kí nhập học ở mỗi ngành đào tạo. 

Tình trạng điểm chuẩn các ngành truyền thống, ngành khoa học đặc thù của không ít trường rớt thảm, điều này cũng báo động về chất lượng nguồn nhân lực, đầu ra của những ngành này trong tương lai. Trong khi đây đều là những ngành chủ lực cho sự phát triển bền vững nền kinh tế - xã hội nước nhà. 

Nhà trường cũng "bó tay"

Trước vấn đề đặt ra về sự mất cân đối trong tuyển sinh đầu vào, đại diện một số trường đại học cho biết, phía nhà trường cũng đã tích cực tìm ra các giải pháp để thu hút nguồn nhân lực cho các ngành đào tạo đặc thù. Thế nhưng, đến nay, mọi giải pháp vẫn chưa đem lại kết quả như kì vọng. 

"Chúng tôi đã rất nỗ lực, trăn trở tìm đủ mọi cách để tuyên truyền, thu hút thí sinh đăng kí xét tuyển vào các ngành đào tạo truyền thống. Các thầy cô trong khoa đã tự đóng góp nguồn kinh phí, trực tiếp về các trường THPT, vào từng lớp, gặp từng em để tư vấn tuyển sinh nhưng kết quả vẫn không khả quan.

Xét về tính chất công việc, rõ ràng khối kỹ thuật, khoa học đặc thù ra trường công việc lăn lộn mà lương lại thấp hơn so với các khối ngành khác nên rất khó thu hút thí sinh đăng kí xét tuyển. Nếu tìm ra giải pháp nào khả thi có thể giải quyết tình trạng trên chắc chắn chúng tôi đã thực hiện" - đại diện một trường đại học chia sẻ.

Lãnh đạo một trường đại học khác lại cho biết, đơn vị này đã tìm đến các doanh nghiệp tư nhân, hợp tác, liên kết để tìm đầu ra cho sinh viên. Thế nhưng đến thời điểm này, vẫn chưa thể giải quyết được bài toán nâng cao chất lượng đầu vào cho các ngành đào tạo đặc thù. Bởi cơ hội nghề nghiệp của các nhóm ngành này còn bó hẹp và mức đãi ngộ thấp hơn các nhóm ngành nghề khác.

“Có 3 yếu tố tác động đến việc lựa chọn ngành nghề đó là chi phí đào tạo, cơ hội việc làm và thu nhập. Tôi cho rằng, thu nhập là yếu tố quan trọng nhất, tác động trực tiếp đến quyết định lựa chọn ngành nghề của học sinh. Các em giờ chạy theo các ngành nghề thời thượng như kinh doanh, công nghệ thông tin, mà không lựa chọn các ngành khoa học cơ bản,  khoa học đặc thù. Ít người lựa chọn,  đương nhiên tác động đến điểm chuẩn đầu vào, lấy bằng điểm sàn mà còn "khát" người học" - lãnh đạo một trường đại học thừa nhận thực tế. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn