MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhiều ngành học ít thí sinh nhưng vẫn đào tạo

Vân Trang LDO | 05/03/2023 13:55

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), trong 3 năm liên tiếp, 4 lĩnh vực Nông lâm nghiệp và Thủy sản, Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên và Dịch vụ xã hội đều đứng đầu danh sách các lĩnh vực tuyển sinh kém nhất.

Theo thống kê của Bộ GDĐT, năm 2022, 64/330 cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng tuyển sinh kém, mức độ tuyển đạt dưới 50%; 94/440 ngành tuyển sinh kém, không đảm bảo chất lượng, chỉ tiêu.

Bên cạnh ngành học có sức hút lớn với thí sinh như Công nghệ thông tin, Truyền thông, Y dược, các ngành khoa học cơ bản, ngành truyền thống trong nhiều năm trở lại đây không tuyển được thí sinh.

Cụ thể, trong 3 năm liên tiếp, 4 lĩnh vực Nông lâm nghiệp và Thủy sản, Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên và Dịch vụ xã hội đều đứng đầu danh sách các lĩnh vực tuyển sinh kém nhất.

Danh sách các lĩnh vực tuyển sinh kém nhất trong 3 năm gần đây. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GDĐT, các cơ sở đào tạo tuyển kém chủ yếu do các nguyên nhân như: Chưa đủ uy tín, thương hiệu để hấp dẫn thí sinh, do vị trí địa lý, sự cạnh tranh khi chỉ tiêu hàng năm tăng, lĩnh vực đào tạo thí sinh ít có nhu cầu theo trào lưu xã hội, ngành đào tạo hẹp, ngành mới thí điểm đào tạo, ngành thiếu hấp dẫn về cơ hội việc làm và phát triển nghề nghiệp.

Để chuẩn bị cho tuyển sinh đại học 2023, bà Thủy khuyến cáo các trường đại học cần nắm bắt thị trường lao động, cùng sự khác biệt trong quan niệm và nhu cầu của giới trẻ trong chọn trường và chọn ngành của thí sinh. 

Trường cũng cần đổi mới nội dung ngành và chương trình đào tạo, môi trường và phương pháp đào tạo, truyền thông và quảng bá tuyển sinh. Các bộ, ngành sử dụng nguồn nhân lực cần thực hiện cơ chế đặt hàng đào tạo. 

Liên quan đến vấn đề nhiều ngành học "ế" thí sinh, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, hiện nay Bộ GDĐT được Chính phủ giao xây dựng đề án về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn. Ảnh: Đại học Bách khoa

Bộ GDĐT đề xuất những giải pháp trong đề án này để có những giải pháp chính sách hỗ trợ, kết nối nhà trường doanh nghiệp, gắn kết đào tạo nghiên cứu và hợp tác quốc tế, tăng sự thu hút của ngành nghề với học sinh. Đồng thời, tăng các điều kiện đảm bảo chất lượng phòng thí nghiệm, thực hành, đặc biệt hỗ trợ đào tạo sau đại học trong lĩnh vực này. Đề án này hiện đang được Bộ GDĐT hoàn thiện.

"Trong đề án này, Bộ cũng đề ra giải pháp để các trường đại học cùng nỗ lực để làm sao thu hút thí sinh vào những ngành này. Đồng thời, phía các trường đại học cũng phải nỗ lực theo cách như nêu trên; truyền thông và quảng bá tuyển sinh để làm sao thu hút thí sinh vào những ngành này" - Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn