MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhiều người ủng hộ bỏ phương thức xét học bạ trong tuyển sinh đại học

Trang Hà LDO | 12/01/2024 17:48

Nhiều ý kiến cho rằng, việc các trường đại học có xu hướng loại bỏ phương thức xét học bạ THPT là phù hợp trong bối cảnh triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Nhiều năm nay, xét học bạ THPT là phương thức xét tuyển đại học phổ biến, giúp thí sinh rộng cửa vào đại học, giảm bớt áp lực thi cử. Tuy nhiên, phương thức này cũng khiến nhiều người băn khoăn về độ tin cậy trong bối cảnh dư luận nghi ngại có hiện tượng “làm đẹp” học bạ cho học sinh.

Mùa tuyển sinh năm 2024 ghi nhận nhiều cơ sở giáo dục đại học loại bỏ phương thức xét học bạ như Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Y Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội... Điều này nhận được sự quan tâm lớn của người dạy và người học.

Nêu quan điểm về vấn đề này, bạn Bùi Đức Nghĩa - học sinh Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Hà Nội) - cho rằng, các trường đại học loại bỏ phương thức xét học bạ THPT bởi đã có kế hoạch sử dụng kết quả của các kỳ thi riêng. Điều này phù hợp với xu hướng tuyển sinh hiện nay.

"Mỗi cơ sở giáo dục có cách nhìn nhận và đánh giá thí sinh riêng, cũng vì vậy, họ có yêu cầu khác nhau trong việc xét tuyển đầu vào. Theo em, các trường có thể bỏ hoặc giữ phương thức xét học bạ THPT tùy theo nhu cầu" - Nghĩa nói.

Ủng hộ việc bỏ phương thức xét tuyển đầu vào bằng điểm học bạ, bạn Trần Lưu Minh - học sinh Trường THPT Cầu Giấy (Hà Nội) lý giải: "Điểm học bạ sẽ thể hiện được quá trình học tập và thi cử của các bạn. Tuy nhiên, đề thi và lượng kiến thức giữa các trường trên cả nước là khác nhau, độ khó dễ cũng chênh lệch, vì vậy xét học bạ sẽ không thực sự công bằng cho học sinh. Bên cạnh đó, xét học bạ đơn thuần cũng không thể đánh giá toàn diện năng lực học sinh, vì vậy thi vẫn là phương án tối ưu nhất" - Lưu Minh nói.

Nhiều giáo viên, học sinh ủng hộ loại bỏ phương thức xét học bạ THPT. Ảnh: Danh Trang

Cô Phạm Thủy - giáo viên Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Hà Nội) ủng hộ phương án này, đồng thời cho rằng, các trường đại học không nên đơn thuần sử dụng điểm học bạ bậc THPT để xét tuyển. Cơ sở giáo dục đại học nên sử dụng kết quả học bạ kết hợp với các điều kiện khác như điểm thi tốt nghiệp THPT, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, bài kiểm riêng. Điều này sẽ tạo độ tin cậy cao trong bối cảnh dư luận nghi ngại có hiện tượng “làm đẹp” học bạ cho học sinh ở bậc THPT.

"Việc nhiều trường đại học top đầu quyết định loại bỏ phương thức xét học bạ là phù hợp với yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 - các em cần phát triển kiến thức và kỹ năng toàn diện. Hơn nữa, trong quá trình học tập, nhiều trường hợp điểm số của học sinh chưa thực chất vì nhiều lý do chủ quan. Do đó, bỏ xét học bạ và đánh giá học sinh bằng các kỳ thi của Bộ GDĐT và phương pháp đánh giá riêng của trường đại học thì hợp lý hơn" - cô Thủy nêu quan điểm.

Trong bối cảnh nhiều trường đại học top đầu loại bỏ phương thức xét tuyển học bạ, tại nhiều cơ sở giáo dục đại học khác, phương thức này lại chiếm phần lớn trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh. Theo cập nhật của Báo Lao Động, hiện đã có 25 trường công bố xét tuyển bằng phương thức này.

Trường Đại học Kinh tế Tài chính TPHCM dự kiến dành 70% chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ THPT; Trường Đại học Công nghệ TPHCM dành 50% tổng chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ; Trường Đại học Quốc tế Miền Đông dành chỉ tiêu cho phương thức này là 50-60%...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn