MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ thông tin về kết quả sau 1 học kỳ triển khai chương trình GDPT mới với lớp 1.

Nhiều nơi học sinh lớp 1 đạt yêu cầu về các kỹ năng theo chương trình GDPT mới

Đặng Chung-Minh Ánh LDO | 02/02/2021 14:46

Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ, từ báo cáo của các Sở GDĐT trên cả nước, sau khi kết hợp giữa đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ với 2 môn tiếng Việt và Toán, kết quả cho thấy có trên 94% học sinh lớp 1 đạt yêu cầu, mục tiêu đặt ra của chương trình GDPT mới. Học sinh nhiều nơi đọc thông, viết thạo sau 1 học kỳ, đạt được phẩm chất, năng lực cần thiết.

Nỗ lực vượt khó

Ngày 2.2, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh thành trên cả nước để sơ kết học kỳ I và triển khai nhiệm vụ học kỳ 2 năm học 2020-2021 đối với giáo dục tiểu học. Đây là năm học toàn ngành giáo dục thực hiện nhiệm vụ kép với mục tiêu vừa tích cực thực hiện các giải pháp phòng chống dịch COVID-19, vừa nỗ lực triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đối với lớp 1.

Năm đầu tiên triển khai chương trình GDPT, thầy và trò cả nước đã gặp không ít khó khăn do dịch COVID-19. Dịch bệnh diễn biến phức tạp nên trong năm 2020 học sinh tiểu học phải ở nhà thời gian khá dài. Đặc biệt trước khi vào lớp 1, trẻ 6 tuổi chủ yếu ở nhà, nên các em học sinh hầu như không được học chương trình mầm non cho trẻ 5 tuổi, không được hướng dẫn các hoạt động làm quen học tập và chuẩn bị tâm lý, tinh thần cho các em trước khi vào lớp 1.

Ngoài ra, do tình hình dịch bệnh nên việc triển khai tập huấn giáo viên bị gián đoạn và ảnh hưởng khá nhiều đến tiến độ và chất lượng. Dù Bộ GDĐT và các địa phương đã rất cố gắng nỗ lực thực hiện các chương trình tập huấn thông qua trực tuyến, nhưng giáo viên cũng ít được tương tác với đồng nghiệp và các giảng viên. Vì lý do này, giáo viên có những lúng túng khi bước đầu triển khai thực hiện chương trình.

Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ, trước những khó khăn, thách thức, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhận thức của giáo viên về thực hiện chương trình GDPT mới đã được nâng lên.

Việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất cũng có nhiều chuyển biến. Các địa phương đã dành sự quan tâm, ưu tiên mọi nguồn lực cho học sinh lớp 1. Từ việc còn rất nhiều tỉnh thành phố phải bố trí việc học 25 tiết/tuần, do không đủ cơ sở vật chất để học sinh học 2 buổi/ngày, thì đến nay đã không còn tỉnh nào thực hiện việc này mà đều cho học sinh học 2 buổi/ngày, đáp ứng được yêu cầu triển khai chương trình GDPT mới.

“Đây là sự nỗ lực, cố gắng rất lớn. Chúng ta cố gắng chèo chống tiếp với lớp 2 và tiếp tục triển khai với lớp 3, lớp 4 để đảm bảo việc học sinh được học 2 buổi/ngày. Điều này thể hiện sự quan tâm rất sâu sắc của các địa phương với việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới” - Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ khẳng định.

Toàn cảnh hội nghị trực tuyến của Bộ GDĐT tổ chức sáng 2.2.

Nhiều tín hiệu lạc quan

Theo lãnh đạo Bộ GDĐT, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nỗ lực vượt khó của giáo viên và học sinh, kết quả đạt được sau 1 học kỳ triển khai chương trình GDPT mới rất khả quan.

Từ báo cáo của các Sở GDĐT trên cả nước, kết hợp việc đánh giá định kỳ với 2 môn tiếng Việt và Toán đạt được yêu cầu, có kết quả khá cao, phần lớn học sinh đạt yêu cầu, mục tiêu đặt ra.

Học sinh nhiều nơi đọc thông, viết thạo sau 1 học kỳ, đạt được phẩm chất, năng lực cần thiết. Kết quả này khẳng định chương trình giáo dục phổ thông mới cho đến lúc này so với chương trình hiện hành, học sinh đã được tiếp cận một cách nhẹ nhàng, giáo viên chủ động, sáng tạo trong dạy học.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, tồn tại lớn nhất trong học kỳ vừa qua là SGK tiếng Việt lớp 1 còn một số nội dung chưa phù hợp. Bộ GDĐT và các nhà trường đã nỗ lực khắc phục, nâng cao chất lượng của các bộ sách.

Bước vào học kỳ II năm học 2020-2021, ngành giáo dục tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại. Trong năm học trước, hơn 24 triệu học sinh, giáo viên cả nước đều an toàn trước dịch bệnh, nhưng năm học này dịch bệnh đã xâm nhập vào trong trường học.

“Mục tiêu đầu tiên của chúng ta là phải đảm bảo an toàn cho học sinh, phải dạy học an toàn trong điều kiện COVID-19 bùng phát.

Các thầy cô không chủ quan, cần tăng cường các biện pháp phòng chống dịch... Tôi rất chia sẻ với Hà Nội, cảm ơn Hà Nội đã rất nỗ lực, cố gắng đưa Trường Tiểu học Xuân Phương là nơi cách ly. Rất chia sẻ với các em học sinh, tiếng khóc của các em trong đêm vì nhớ bố mẹ, nhớ nhà. Vì điều này, tôi rât mong các thầy cô cố gắng đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh, nhất là đối tượng trẻ mầm non, học sinh tiểu học”- Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn