MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Từ năm 2020, việc in phôi chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân do Bộ Giáo dục và Đào tạo in theo số lượng đã đăng ký.

Nhiều nơi xảy ra gian lận, trường đại học "mất quyền"tự in phôi chứng chỉ

Bích Hà LDO | 05/12/2019 07:56
Việc in phôi chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân sẽ do Bộ Giáo dục và Đào tạo in theo số lượng đã đăng ký, thay vì giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học như trước đây.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 21 về Quy chế quản lý bằng tốt nghiệp THCS, THPT, trung cấp/cao đẳng sư phạm; văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân.

Thông tư mới này thay thế thông tư số 19/2015/TT-BGDĐT ngày 8.9.2015 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế quản lý bằng tốt nghiệp THCS, THPT; văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân.

Cụ thể, trong thông tư số 19 trước đây có quy định rõ, cơ sở giáo dục đại học tự chủ in phôi văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân (trừ chứng chỉ giáo dục quốc phòng - an ninh) và chịu trách nhiệm quản lý phôi văn bằng, chứng chỉ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nhưng theo thông tư vừa được ban hành, cơ sở giáo dục đại học được tự chủ trong việc thiết kế mẫu, in phôi đối với văn bằng giáo dục đại học. Cơ sở đào tạo giáo viên in phôi bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm theo mẫu do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định và được bổ sung thêm biểu tượng của cơ sở giáo dục, hoa văn in trên văn bằng.

Ngoài ra, việc in phôi bằng tốt nghiệp THCS, bằng tốt nghiệp THPT, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân do Bộ Giáo dục và Đào tạo in theo số lượng đã đăng ký.

So với Thông tư 19 năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ sung một trường hợp thu hồi, hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ.

Sáu trường hợp bị thu hồi, hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ gồm: Do hành vi gian lận trong tuyển sinh, học tập, thi cử, bảo vệ đồ án, khóa luận tốt nghiệp, luận văn, luận án hoặc gian lận trong việc làm hồ sơ để được cấp văn bằng, chứng chỉ; cấp cho người không đủ điều kiện; do người không có thẩm quyền cấp; bị tẩy xóa, sửa chữa; để người khác sử dụng; do lỗi của cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 15.1.2020.

Thời gian qua, hoạt động cấp văn bằng, chứng chỉ ở các cơ sở giáo dục đại học xảy ra một số bất cập. Báo Lao Động có nhiều loạt bài phản ánh việc gian lận, mua bán trong hoạt động này, đặc biệt với việc thi cấp chứng chỉ tiếng Anh và ngoại ngữ. Sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã vào cuộc xử lý và quyết định dừng tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học ở 49 cơ sở giáo dục đại học. Mới đây nhất, Bộ  ban hành Thông tư 20/2019/TT-BGDĐT bãi bỏ các quy định về kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên tại Quyết định 30/2008/QĐ-BGDĐT. Điều này đồng nghĩa, sau 26 năm tồn tại, chứng chỉ ngoại ngữ trình độ A, B, C đã chính thức bị khai tử bằng việc dừng kiểm tra và cấp chứng chỉ từ ngày 15.1.2020.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn