MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Không còn học sinh tiên tiến ở cấp 2, cấp 3 từ ngày 5.9. Ảnh: Thiều Trang

Nhiều phụ huynh, học sinh tiếc nuối khi bỏ danh hiệu học sinh tiên tiến

Thiều Trang LDO | 22/08/2021 16:28

Giấy khen học sinh tiên tiến gắn liền với bao thế hệ học trò sẽ chính thức bị xóa bỏ từ ngày 5.9.2021, bắt đầu với học sinh lớp 6. Tiếp nhận quy định mới, nhiều phụ huynh và học sinh bày tỏ sự tiếc nuối.

Giấy khen tiên tiến là động lực để học sinh phấn đấu

Một trong những điểm mới tại Thông tư 22 là không còn danh hiệu “học sinh tiên tiến” mà sẽ khen thưởng theo các danh hiệu “học sinh xuất sắc” và “học sinh giỏi”. Ngoài ra, nếu học sinh có thành tích đột xuất trong rèn luyện và học tập cũng được khen thưởng. 

Nhiều thế hệ học sinh tiếc nuối vì cho rằng danh hiệu học sinh tiên tiến chính là động lực phấn đấu, là sự hãnh diện của học sinh.

Em Nguyễn Thị Anh Thư (học sinh lớp 9 tại Thái Bình) cho biết, bản thân em và các bạn cùng lớp rất buồn và hụt hẫng khi biết thông tin giấy khen tiên tiến sẽ bị "xóa sổ". Bởi học lực của Anh Thư chỉ đạt mức khá, tấm giấy khen là động lực để em phấn đấu.

"Để đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, có giấy khen cuối năm, em phải nỗ lực học tập và cố gắng hoàn thành các bài thi. Điểm tổng kết hàng năm của em chỉ được 7 phẩy, học lực khá. Trong lớp chỉ có 1, 2 bạn đạt học sinh giỏi. Năm sau lên lớp 10, chương trình sẽ khó hơn, như vậy em sẽ khó có cơ hội nhận giấy khen" - Anh Thư tỏ ra tiếc nuối.

Thừa nhận bản thân không bị ảnh hưởng, nhưng Phạm Diệp Phương Linh (học sinh lớp 11 tại Hà Nội) cũng bày tỏ tâm trạng đồng cảm cùng cho các em học sinh khóa dưới khi cho rằng, danh hiệu học sinh tiên tiến rất có ý nghĩa, thể hiện sự ghi nhận của thầy cô và hướng đến việc thúc đẩy các bạn học sinh cố gắng tiến về phía trước.

"Em nghĩ việc xếp danh hiệu tiên tiến là một việc nhân văn, có ý nghĩa thúc đẩy, tạo động lực lớn để các bạn tiến bộ. Đồng thời, việc trao tặng giấy khen tiên tiến với các bạn học sinh học lực khá cũng là một sự ghi nhận cố gắng, cổ vũ các bạn tiến lên trong năm học tới.

Hãy thử tưởng tượng một bạn học sinh từ trước đến nay đều có giấy khen cuối năm, nhưng những năm sau không có bất cứ tấm giấy khen nào vì chỉ dừng lại ở học lực khá, thì các bạn sẽ bị tổn thương đến mức nào?" - Khánh Linh băn khoăn.

Học sinh khá bị "bỏ quên"?

Tiếp nhận điểm mới về khen thưởng cho học sinh trong Thông tư 22, anh Lê Đình Hà (phụ huynh học sinh tại Thanh Hóa) băn khoăn về việc tặng giấy khen để khen thưởng cuối năm cho học sinh.

Theo anh Hà, quy định mới chỉ khen thưởng học sinh xuất sắc và học sinh giỏi, tuyệt nhiên không đề cập đến khen thưởng cho học sinh có kết quả học lực khá. Như vậy có 2 trường hợp có thể xảy ra, một là học sinh khá sẽ có đủ nghị lực và phấn đấu để đạt học sinh giỏi. Hai là học sinh khá sẽ mất động lực phấn đấu và ngừng nỗ lực vì suy nghĩ: "Có cố gắng cũng không thể đạt học sinh giỏi".

"Việc đánh giá và khen thưởng trong giáo dục là cần thiết. Mục đích cơ bản của khen thưởng là tạo động lực cho học sinh trong việc học tập. Trong trường hợp học sinh khá không được ghi nhận, liệu việc khen thưởng có phản tác dụng?" - anh Hà nêu ý kiến.

Đồng quan điểm với ý kiến trên, chị Trần Thị Vân (phụ huynh học sinh tại Bình Dương) cho rằng, không phải học sinh nào cũng có thể đạt kết quả học lực giỏi, xuất sắc. Việc "bỏ quên" khen thưởng học sinh khá sẽ khiến ngày kết thúc năm học trở nên nặng nề.

"Cuối năm, các con được giấy khen học sinh tiên tiến, được thưởng sách vở cũng là niềm vui, sự hãnh diện. Việc được khen thưởng sẽ giúp các con tự hào và nỗ lực hơn nữa vì những cố gắng của mình xứng đáng được đền đáp" - chị Vân chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn