MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. Ảnh: Trang Thiều

Nhiều thay đổi trong kỳ thi đánh giá năng lực - tư duy 2023

Vân Trang LDO | 15/01/2023 14:28

Theo đại diện các đơn vị tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy năm 2023, kỳ thi sẽ có sự điều chỉnh, nhằm tạo điều kiện tối đa cho thí sinh tham dự. 

Đề thi giảm độ khó

Hiện nhiều đơn vị tổ chức bài thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy để xét tuyển đầu vào như Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Bách khoa Hà Nội, Bộ Công an.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, dự kiến tới năm 2027, ngân hàng câu hỏi này sẽ hoàn thiện, đáp ứng được yêu cầu của kỳ thi mở rộng cho nhiều đối tượng học sinh, thi nhiều đợt…

PGS Điều khẳng định, các câu hỏi không còn nhiều sự thách đố, ngăn việc học mẹo và không quá khó so với trước đây

Là chuyên gia đánh giá khung đề thi tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội, PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá Giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nhận định, so với các đề thi tư duy cũ, khung đề thi mới mở hơn, rộng kiến thức hơn và giảm độ khó rõ rệt.

Với sự thay đổi này, các trường đại học khi xét tuyển thí sinh thông qua bài thi tư duy sẽ chọn được các ứng viên khác nhau ở từng trình độ mà trường mong muốn.

Mở rộng địa điểm thi

TS Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo, Đại học Quốc gia TPHCM - cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục mở rộng địa điểm thi Kỳ thi Đánh giá Năng lực 2023.

Trong đó, đơn vị này dự kiến tiếp tục giữ nguyên 17 địa điểm thi tại các tỉnh, thành phố như năm 2022 gồm TPHCM, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Bình Thuận, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ; đồng thời, mở rộng thêm địa điểm thi tại tỉnh Lâm Đồng và một số tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long.

Trước đó, thông tin về kỳ thi đánh giá năng lực 2023, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội - cũng thông tin, năm nay, nhà trường mở thêm hai địa điểm thi mới, nâng tổng số địa điểm thi lên con số 17 trải rộng từ Thái Nguyên, Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An,...

Quy mô mỗi đợt thi dự kiến từ 8.000-20.000 thí sinh/đợt thi. Kỳ thi hướng tới phục vụ trên 70.000 thí sinh năm 2023.

GS Nguyễn Tiến Thảo cũng nhấn mạnh: "Bài thi đánh giá năng lực có tính phân loại cao, đa mục đích trong đó có sử dụng để xét tuyển vào các ngành đào tạo bậc đại học có tính cạnh tranh cao".

Năm 2023, 8 trường sư phạm lớn sẽ công nhận kết quả và dành chỉ tiêu xét tuyển thí sinh dự kỳ thi đánh giá năng lực do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chủ trì.

8 trường này bao gồm: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, Trường Đại học Sư phạm Vinh, Trường Đại học Sư phạm Huế, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, Trường Đại học Quy Nhơn và Trường Đại học Sư phạm TPHCM

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết sẽ căn cứ vào số học sinh đăng ký thi để tổ chức một hoặc hai đợt, dự kiến đầu tháng 5.2023. Nếu có nhiều thí sinh đến từ các khu vực xa Hà Nội, kỳ thi có thể diễn ra đồng thời tại một hoặc nhiều trường trong danh sách, giúp các em thuận lợi trong di chuyển.

Nhà trường đặc biệt nhấn mạnh quan điểm, số lượng thí sinh đăng kí không phải vấn đề, điều quan trọng là tổ chức thế nào để gọn nhẹ, thuận thiện nhất cho thí sinh. 

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2022, các trường dành hơn 30.000 chỉ tiêu xét tuyển từ điểm của các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Tỷ lệ nhập học theo phương thức này chiếm khoảng 2% tổng số thí sinh nhập học của tất cả phương thức.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn