MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Gia đình ông Nguyễn Hồng Trường. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nhiều thế hệ nhà giáo cùng vui khi cải cách tiền lương và tăng lương hưu

Phạm Huệ LDO | 18/03/2024 06:00

Cải cách tiền lương từ ngày 1.7.2024, đồng thời điều chỉnh tăng lương hưu là niềm vui trọn vẹn với nhiều gia đình có truyền thống “trồng người”.

Vững tâm nối nghiệp "trồng người"

Đến với nghề dạy học từ năm 1961, phụ trách giảng dạy các môn Văn, Sử, Địa tại địa phương, ông Nguyễn Hồng Trường (sinh năm 1941, Hưng Yên) có 40 năm công tác trong nghề nhà giáo. Ông Trường nhớ lại: “Tôi dạy học từ thời kỳ chống Mỹ, rồi cả thời bao cấp nữa, hồi ấy lương tăng chậm, có khi 10 năm mới tăng một lần. Lương bèo bọt, sống khó khăn lắm”.

Nếm trải đủ mọi thiếu thốn, đói no thất thường, nhưng ông Trường vẫn quyết tâm bám lấy nghề, bởi như ông nói: “Cái nghề này tuy khó khăn, nhưng yêu rồi thì khó bỏ lắm”.

Cả ông và vợ đều là nhà giáo, dù nặng gánh cơm áo gạo tiền nhưng khi con cái đến tuổi chọn ngành, chọn nghề, ông bà vẫn hướng con mình nối nghiệp “trồng người”.

Cô Nguyễn Thị Hoàng Huyên (sinh năm 1978, Hưng Yên) - con gái út của ông Trường, hiện là giáo viên môn Tiếng Anh tại Trường THCS Thị trấn Khoái Châu. Cô đã gắn bó với nghề 25 năm do được bố mẹ định hướng theo nghề từ nhỏ. Hai chị gái của cô hiện cũng là giáo viên, một người dạy môn Hóa và một người dạy môn Toán. Hiện cô Huyên vẫn muốn định hướng các con theo nghề giáo.

“Bạn thứ hai nhà mình đang học lớp 11, mình luôn tâm sự với con về nghề giáo, gieo cho con tình yêu với nghề. Mong rằng đến tuổi chọn trường đại học và ngành nghề cho tương lai, con sẽ yêu thích nghề giáo và theo đuổi như thế hệ ông bà và mẹ" - cô Huyên tâm sự.

Niềm vui trọn vẹn khi lương nhà giáo tăng song hành cùng lương hưu

Yêu nghề là vậy nhưng thực tế cuộc sống lại khốc liệt. Bởi thời buổi vật giá leo thang, lương giáo viên hiện tại chẳng đủ xoay sở cuộc sống.

“Tôi ra trường đã 25 năm, 23 năm thâm niên mà lương vẫn bèo lắm. Mức lương đầu tiên nhận được là 188.000 đồng, sau 25 năm công tác, hiện tại lương thực lĩnh là 11.650.000 đồng/tháng. Số tiền này không đủ nuôi con cái ăn học, cuộc sống cũng phải chắt bóp chi tiêu" - cô Huyên ngậm ngùi chia sẻ.

Trước thực tế đó, nữ giáo viên rất kỳ vọng vào lần cải cách tiền lương từ 1.7.2024. "Theo tôi tìm hiểu, ngoài mức lương cơ bản, chế độ tiền lương mới còn sắp xếp lại các khoản phụ cấp chiếm tối đa 30% tổng quỹ lương (trong đó có trường hợp cao hơn 30% hoặc thấp hơn 30%) và 10% tiền thưởng. Dự kiến tăng lương lên đến hơn 32% giúp giáo viên chúng tôi có động lực cống hiến với nghề hơn, giảm bớt gánh nặng chi tiêu và lo cho con cái ăn học" - nữ giáo viên chia sẻ.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cải cách tiền lương phải đi đôi với điều chỉnh chính sách lương hưu theo tinh thần "không để người hưu trí rơi vào khó khăn, thiệt thòi hơn khi cải cách".

Điều này khiến ông Trường - bố của cô Huyên vui mừng bởi tăng lương hưu thì ông bà bớt được nỗi lo chi phí thuốc thang, giảm gánh nặng cho con cháu.

"Đây cũng là sự động viên của Đảng và Nhà nước dành cho chúng tôi, cũng một lần nữa khẳng định, sự kiên trì với nghề giáo là đúng đắn, định hướng nghề nghiệp cho con cái không sai lầm. Dẫu sao, nghề giáo trước nay vẫn được quan tâm và nhận về sự kính trọng" - ông Trường bộc bạch.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn