MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhiều tỉnh miền núi đã hoàn thành chương "Sóng và máy tính cho em"

Tân Văn LDO | 23/05/2023 20:00
Một số tỉnh miền núi như Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng... đã cơ bản hoàn thành chương trình "Sóng và máy tính cho em", bàn giao thiết bị đến tay học sinh.

Gần 3 năm triển khai Chương tình "Sóng và máy tính cho em" - một chủ trương đúng đắn của Chính phủ ở thời điểm đó, nhiều kết quả tích cực đã được chỉ ra.

Trước đó, vào tối 12.9.2021, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo lễ phát động Chương trình "Sóng và máy tính cho em" kêu gọi toàn xã hội chung tay, hỗ trợ các em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, thiếu phương tiện và điều kiện học tập trực tuyến.

Theo thống kê mới nhất của Vụ Cơ sở vật chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), đến nay, đã có 92.629 máy tính bảng được tài trợ từ các doanh nghiệp viễn thông đã giao cho học sinh ở 24 tỉnh sử dụng.

Số tiền 510,77 tỉ đồng chuyển về cho 17 Sở GDĐT để mua 204.308 máy tính bảng đang được các địa phương triển khai, bàn giao cho học sinh, dự kiến hoàn thành trong quý I/2023. Trong đó, một số tỉnh miền núi phía Bắc (nơi được coi như vùng lõm của sóng điện thoại) cũng đã cơ bản hoàn thành chương trình, bàn giao thiết bị đến tận tay học sinh và giáo viên.

Trao đổi với PV, ông Vũ Văn Dương - Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Cao Bằng - cho biết: "Sở đã tiến hành bàn giao tất cả (khoảng 800 máy tính bảng) đến tay các em học sinh. Các thiết bị này giúp việc học trở nên dễ dàng hơn, tạo hứng thú cho học sinh".

Các em học sinh tại một điểm trường xã Đức Hạnh (Bảo Lâm, Cao Bằng). Ảnh: Tân Văn

Tương tự, đại diện Sở GDĐT các tỉnh Lào Cai, Yên Bái cũng cho hay, đơn vị đã bàn giao thiết bị về tận các trường và đến tay các em học sinh.

Thời điểm hiện tại, Chương trình "Sóng và máy tính cho em" đã triển khai được 3 năm bên cạnh những hiệu quả thiết thực mang lại, một số hạn chế cũng đã phát sinh.

Thời điểm phát động chương trình là khoảng thời gian dịch COVID-19 đang lây nhiễm chóng mặt và để lại nhiều mất mát trong nhân dân. Thời điểm này, gần như 100% học sinh, sinh viên trên cả nước phải học online để đảm bảo giãn cách xã hội nên một thiết bị hoà mạng thông minh để phục vụ việc học là cực kỳ cần thiết.

Tuy nhiên, khi dịch COVID-19 cơ bản được khống chế, những hoạt động kinh tế, giáo dục trở lại bình thường, cũng là lúc các em học sinh ở nhiều huyện miền núi không còn mặn mà với việc dùng máy tính bảng để học tập mà chủ yếu dùng giải trí như chơi game, xem phim… thậm chí ở nhà "ôm" máy tính bảng không đến lớp.

Tại một số nơi, giáo viên sẽ phải liên tục nhắc nhở các em học sinh sử dụng máy tính bảng phục vụ trong học tập, không sử dụng chơi game hay làm việc khác. Ảnh: Ngọc Viên

Nói về vấn đề này, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Cao Bằng Vũ Văn Dương chia sẻ: "Chúng tôi đã lường trước vấn đề các em học sinh dễ sa vào chơi game, xem phim... trên các thiết bị thông minh nên đã giao các đơn vị nhà trường phải quản lý, sát sao trong sử dụng, không để xảy ra tình trạng học sinh mang máy tính về nhà rồi mải miết chơi game, không học hành".

Đồng quan điểm kể trên, ông Vương Văn Bằng - Giám đốc Sở GDĐT Yên Bái - thông tin đến PV Báo Lao Động: "Số lượng máy tính thuộc Chương trình "Sóng và máy tính cho em" tại Yên Bái không nhiều, tuy nhiên khi bàn giao về các đơn vị, sở luôn đề cao tính hiệu quả. Tới đây, chúng tôi sẽ yêu cầu các đơn vị nhà trường làm văn bản báo cáo, rà soát độ hiệu quả của các thiết bị trong công tác dạy và học".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn