MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các trường học trên cả nước đã hoàn tất công tác công bố điểm chuẩn trúng tuyển đến thí sinh. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn

Nhiều trường đại học có điểm chuẩn cao kỷ lục, 30 điểm/3 môn chưa chắc đỗ

Đặng Chung LDO | 16/09/2021 17:44
Mùa tuyển sinh năm nay có những thực tế tưởng rằng rất vô lý. Dù đạt tới ngưỡng điểm gần tuyệt đối ở cả ba môn thi của tổ hợp xét tuyển đại học, nhưng thí sinh vẫn có thể không đỗ vào nguyện vọng một, nếu không có điểm cộng ưu tiên.

Thủ khoa vẫn có thể trượt

Ghi nhận đến 16h ngày 16.9, trên cả nước đã có trên 200 trường đại học công bố điểm chuẩn trúng tuyển theo phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Năm nay lặp lại câu chuyện đã xảy ra vào năm 2017 và 2020, khi thí sinh là thủ khoa, hoặc đạt điểm tuyệt đối vẫn có nguy cơ không đỗ được vào ngành yêu thích nhất, do có trường lấy điểm chuẩn trên 30.

Đặc biệt, năm nay không chỉ xảy ra với 1 trường, mà có tới 3 trường có ngành lấy điểm chuẩn từ 30 điểm trở lên.

Điểm chuẩn một số ngành của Trường ĐH Hồng Đức. 

Giữ kỷ lục về điểm chuẩn đến thời điểm này là ngành Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao của Trường Đại học Hồng Đức, khi có điểm chuẩn lên tới 30,5. Đây cũng là mức điểm chuẩn cao nhất từ trước đến nay, vượt cả ngưỡng điểm tuyệt đối của một tổ hợp 3 môn thi tính theo thang điểm 30, không nhân hệ số.

Với mức điểm này, thí sinh đạt 10 điểm/môn vẫn khó đỗ nếu không có cả điểm ưu tiên, điểm thưởng. Mức điểm chuẩn này được xem là “rất xa xỉ”, chưa từng có với một trường đại học địa phương, trực thuộc UBND tỉnh như Trường Đại học Hồng Đức.

Theo lý giải của lãnh đạo nhà trường, có nhiều lý do cho việc điểm chuẩn một số ngành của Trường Đại học Hồng Đức “lập đỉnh”.

Đầu tiên, những ngành này có chỉ tiêu đào tạo rất ít, năm 2021 chỉ có 15 chỉ tiêu, trong khi lượng thí sinh nộp nguyện vọng xét tuyển cao gấp nhiều lần. Phần lớn thí sinh xét tuyển ngành này đều đạt trên 28, 29 điểm, cộng thêm điểm ưu tiên khu vực, đối tượng, nên dẫn đến việc điểm chuẩn vượt ngưỡng 30, lên đến 30,5 điểm.

Kế đến, điều làm nên sức hút của các ngành đào tạo giáo viên (hệ chất lượng cao) của Trường Đại học Hồng Đức là tác động từ cơ chế hỗ trợ việc làm.  Ngoài những ưu đãi như miễn học phí, có thêm chi phí sinh hoạt 3,63 triệu đồng/tháng cho thí sinh trúng tuyển theo quy định của Chính phủ, thì tỉnh Thanh Hóa đã “đặt hàng” đào tạo và có cơ chế tuyển dụng đối với sinh viên tốt nghiệp các ngành này.

Xếp sau Trường Đại học Hồng Đức về mức điểm chuẩn trong mùa tuyển sinh năm nay là Học viện Chính trị Công an nhân dân, với điểm chuẩn ngành Xây dựng lực lượng công an nhân dân là 30,34 điểm (xét tuyển đối với nữ, ở khu vực phía Bắc, bằng tổ hợp khối C00).

Kế đến là ngành Hàn Quốc học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội, lấy 30 điểm (theo thang điểm 30) với khối C00. Đây là năm thứ hai trường tuyển sinh ngành này và lần thứ hai điểm chuẩn ở mức tuyệt đối 30/30 điểm.

Điểm chuẩn năm 2021 của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn. 

Theo lý giải của lãnh đạo nhà trường, điểm chuẩn của ngành này ở mức rất cao vì chỉ tiêu không nhiều, trong đó có nhiều em đã được xét tuyển thẳng, nên điểm chuẩn xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT mới cao như vậy.

Ngoài 3 trường có điểm chuẩn một vài ngành vượt ngưỡng 30, thì còn rất nhiều ngành, nhiều trường khác có điểm chuẩn trên 29.

Đơn cử, ngành Đông phương học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) có điểm chuẩn là 29,80.

Điểm chuẩn ngành Nghiệp vụ An ninh của Học viện An ninh Nhân dân là 29,99 điểm, áp dụng cho thí sinh nữ ở địa bàn 1 (10 tỉnh miền núi phía Bắc), dự thi khối A01; 29,84 điểm với thí sinh nữ ở địa bàn 2 (gồm các tỉnh, thành ở khu vực đồng bằng, trung du Bắc Bộ).

Điểm chuẩn trên 29 cũng xuất hiện ở nhiều trường như Học viện Cảnh sát nhân dân, Chính trị Công an nhân dân, Đại học An ninh nhân dân, Học viện Quân y, Trường Đại học Luật Hà Nội, đặc biệt với các ngành xét tuyển bằng tổ hợp C00. Đây đều là những trường có “truyền thống” điểm chuẩn cao ở một số ngành đào tạo.

Các trường đào tạo ở nhóm ngành về kinh tế, kinh doanh, công nghệ thông tin, báo chí-truyền thông cũng có sức hút rất lớn với thí sinh, khi có điểm chuẩn ở mức cao, trên 28 điểm.

Chẳng hạn muốn trúng tuyển vào ngành Báo chí Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ngành Truyền thông đa phương tiện của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, thí sinh phải đạt trên 9,5 điểm mỗi môn (cho tổ hợp 3 môn Văn, Sử, Địa)

Điểm cộng ưu tiên trở thành “cứu cánh”

Với mức điểm chuẩn nhiều ngành trên 28,5, thậm chí trên 30 điểm như năm nay, có thể xảy ra việc nhiều thí sinh dù đạt ba điểm 9 hay 10 vẫn chưa chắc đỗ nguyện vọng một, nếu thiếu điểm cộng ưu tiên. Trong trường hợp này, điểm ưu tiên trở thành “cứu cánh”.

Khi cả nước chỉ có duy nhất một thí sinh có điểm thi khối B00 đạt mức tuyệt đối 30/3 môn thi (chưa cộng điểm ưu tiên khu vực) như năm nay, thì việc có nhiều ngành có điểm chuẩn trên 30 điểm dẫn đến thực tế:  Thí sinh có điểm thi cao, kể cả thủ khoa, chưa chắc đã đỗ vào ngành xếp nguyện vọng ưu tiên cao nhất vì không có điểm cộng ưu tiên. Ngược lại, thí sinh có điểm thi thấp hơn, nhưng lại đỗ nhờ có điểm ưu tiên cao.

“Đây là nghịch lý”, “điểm chuẩn vượt ngưỡng 30 là điều đáng suy ngẫm”, “29-30 điểm/3 môn vẫn có thể trượt… là chuyện thật như đùa”…. đây là những bình luận, ý kiến của rất nhiều thí sinh, phụ huynh khi nhìn vào bức tranh điểm chuẩn đại học năm nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn