MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều trường đại học mở các ngành học lĩnh vực bán dẫn năm 2024. Ảnh: Đại học Đà Nẵng

Nhiều trường đại học top đầu mở ngành bán dẫn năm 2024

Vân Trang LDO | 04/03/2024 19:49

Năm 2024, một số cơ sở giáo dục đại học thông báo mở các ngành học trong lĩnh vực bán dẫn.

Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM vừa công bố phương án tuyển sinh năm 2024. Theo đó, trường dự kiến tuyển hơn 3.900 chỉ tiêu theo 6 phương thức xét tuyển.

Điểm mới trong mùa tuyển sinh năm nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên dự kiến mở mới ngành Thiết kế vi mạch và ngành Khoa học Công nghệ bán dẫn nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển nền công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Việt Nam và thế giới.

Trường Đại học Phenikaa năm 2024 cũng dự kiến tuyển sinh ngành Kỹ thuật điện tử - viễn thông (Thiết kế vi mạch - bán dẫn) với 50 chỉ tiêu ở các tổ hợp môn khối A00 (Toán, Vật lí, Hóa học), A01 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh), C01 (Ngữ văn, Toán, Vật lí), D07 (Toán, Hóa học, Tiếng Anh).

Năm 2024, các trường đại học thành viên của Đại học Đà Nẵng cũng mở các ngành đào tạo mới, trong đó có các ngành công nghệ cao như Thiết kế vi mạch - Chip bán dẫn.

Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng mở Chuyên ngành Vi điện tử - Thiết kế vi mạch (ngành Điện tử viễn thông);

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng mở 2 chuyên ngành: Công nghệ Ô tô điện thuộc ngành Công nghệ Kỹ thuật Ô tô; Thiết kế vi mạch thuộc ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông và dự kiến mở ngành Robot và Trí tuệ nhân tạo;

Theo học chuyên ngành này, sinh viên được trang bị những kiến thức, kỹ năng hiện đại như: Công nghệ vi mạch, Thiết kế vi mạch số, Lập trình nhúng, Công nghệ IoT...

Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn, Đại học Đà Nẵng mở 4 chuyên ngành: Thiết kế vi mạch bán dẫn, Marketing, Công nghệ truyền thông, An toàn thông tin.

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa - Đại học Bách khoa Đà Nẵng, chuyên ngành Vi điện tử - Thiết kế vi mạch tuyển sinh năm 2024 khoảng 100 chỉ tiêu (tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2024 là 3.600 chỉ tiêu); ưu tiên xét kết quả thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh riêng theo đề án của nhà trường.

Năm học 2024-2025, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH - Trường Đại học Việt Pháp) bắt đầu tuyển sinh ngành Công nghệ vi mạch bán dẫn.

Chương trình đào tạo hướng tới trang bị cho người học kiến thức và kỹ năng chuyên môn liên quan đến thiết kế, chế tạo và đóng gói, kiểm thử vi mạch bán dẫn tích hợp, nhằm cung cấp nguồn nhân lực chuyên môn cao, đón đầu xu hướng phát triển của ngành công nghiệp nhiều tiềm năng này.

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Minh, Trưởng khoa Điện tử, Đại học Bách khoa, 100% sinh viên định hướng thiết kế vi mạch ra trường được chào đón, có việc ngay. Mức lương khởi điểm của kỹ sư mới khoảng 15 - 20 triệu đồng, tương đương ngành Công nghệ thông tin.

Nếu theo nghề 5 - 10 năm, lương kỹ sư ngành này cao gấp rưỡi Công nghệ thông tin, lên tới khoảng 60 - 70 triệu đồng/tháng.

Số liệu từ Cổng thông tin khoa học và công nghệ quốc gia, đến cuối năm 2023 cả nước có hơn 5.500 kỹ sư thiết kế chip. Nhu cầu nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam là 5.000 - 10.000 kỹ sư/năm, song khả năng đáp ứng chưa đến 20%.

Dự báo, 5 năm tới Việt Nam cần khoảng 20.000 người trình độ từ đại học trở lên cho ngành công nghiệp bán dẫn. Nhu cầu nhân lực ngành bán dẫn lên tới 5.000 - 10.000 kỹ sư/năm nhưng khả năng đáp ứng của thị trường lao động chưa đến 20%. Chính vì vậy, theo các chuyên gia tư vấn tuyển sinh, thí sinh học, tốt nghiệp ngành này có cơ hội việc làm rộng mở trong tương lai.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn