MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều trường đại học tiếp tục xét tuyển bổ sung. Ảnh: Hải Nguyễn

Nhiều trường đại học vẫn chật vật xét tuyển bổ sung

Vân Trang LDO | 12/11/2023 06:46

Thời điểm này, hầu hết các cơ sở giáo dục đại học đã ổn định việc dạy và học, nhưng nhiều trường vẫn tiếp tục xét tuyển bổ sung với hàng trăm chỉ tiêu.

Trường Đại học Việt Đức vừa ban hành thông báo xét tuyển bổ sung trình độ đào tạo đại học hệ chính quy năm 2023. Theo đó, trường xét tuyển 9 chỉ tiêu ngành kỹ thuật xây dựng.

Đối tượng xét tuyển là học sinh các trường THPT ở Việt Nam, đáp ứng các yêu cầu về tuyển sinh trình độ đại học của Trường Đại học Việt Đức và Bộ GDĐT.

Trường nhận hồ sơ xét tuyển theo 2 phương thức gồm: Xét học bạ THPT và chứng chỉ THPT quốc tế.

Trong đó, phương thức xét học bạ chỉ áp dụng đối với thí sinh tốt nghiệp các trường THPT tại Việt Nam trong năm 2023. Trường căn cứ vào học bạ/bảng điểm bậc THPT (lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12), theo tổng điểm trung bình của 5 môn học: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 môn tự chọn. Thí sinh có thể lựa chọn 2 môn tự chọn trong các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Lịch sử và Địa lý. Điểm nhận hồ sơ xét tuyển từ 7.0.

Phương thức xét chứng chỉ THPT quốc tế, trường xét thí sinh có các chứng chỉ/bằng tốt nghiệp THPT quốc tế (IBD, A-Level kết hợp với AS-Level hoặc IGCSE, WACE…); hoặc chứng chỉ bài thi năng lực quốc tế (TestAS, SAT, ACT); bằng tốt nghiệp THPT quốc tế được công nhận theo danh sách do Trường Đại học Việt Đức quy định.

Ngoài ra, thí sinh xét tuyển cần đáp ứng yêu cầu về năng lực tiếng Anh đầu vào gồm: Có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế ít nhất tương đương IELTS học thuật 5.5 hoặc TOEFL iBT 46 còn hiệu lực tại thời điểm nộp hồ sơ.

Không riêng Trường Đại học Việt Đức, Trường Đại học Sư phạm TPHCM thông báo gia hạn thời gian đăng ký xét tuyển đến hết ngày 30.11 ngành Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam cho người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư nước ngoài.

Kết thúc 2 đợt tuyển sinh năm 2023, Trường Đại học Tây Nguyên vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu. Do đó, nhà trường thông báo tiếp tục tuyển sinh đại học đợt 3.2023 với 18 ngành. Đối chiếu giữa thông báo tuyển sinh đợt 3 với đề án tuyển sinh của Trường Đại học Tây Nguyên cho thấy, nhiều ngành có kết quả thí sinh xác nhận nhập học thấp, chẳng hạn như ngành Lâm sinh; Công nghệ sinh học; Kinh tế nông nghiệp; Công nghệ thực phẩm,....

Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên) cho biết, kết thúc tuyển sinh đợt 1, trường tuyển sinh được khoảng gần 30% trên tổng số hơn 1.500 chỉ tiêu được giao, trong đó có những ngành mới tuyển được 3 - 4 sinh viên.

Dự kiến, những ngành này khi xét tuyển bổ sung cũng sẽ không nhận được nhiều hồ sơ. Tuy nhiên, nhà trường cho biết vẫn sẽ đào tạo vì đó là nhiệm vụ. Về phương án đào tạo, nhà trường dự kiến sẽ đào tạo theo hình thức liên thông ngang, dọc.

Khi đến các môn chuyên ngành, đòi hỏi kiến thức và nghiên cứu sâu sẽ tách lớp. Với ngành có 2 - 3 sinh viên, nhà trường ghép môn và bố trí cho các em học cùng anh/chị khóa trước. Một số môn sẽ gửi sinh viên sang trường khác học.

4 nhóm ngành tuyển sinh kém nhất

Trên thực tế, việc khó tuyển sinh ở một số ngành đã được dự báo trước và không chỉ xảy ra ở mùa tuyển sinh đại học năm nay mà còn xuất hiện từ nhiều năm trở lại đây.

Theo thống kê của Bộ GDĐT, năm 2022, có 4 nhóm ngành tuyển sinh kém nhất gồm: Nông lâm nghiệp và thủy sản, Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên và Dịch vụ xã hội. Nhóm Nông lâm thủy sản tuyển được 49,1% chỉ tiêu; Khoa học sự sống 57,92%; Khoa học tự nhiên 59,43% và Dịch vụ xã hội 61,36%.

Theo nhiều chuyên gia, nếu không có sự can thiệp, hỗ trợ của Nhà nước thì các trường sẽ rất khó để xoay chuyển tình thế. Tình trạng “khát” thí sinh ở một số ngành nông, lâm nghiệp, các ngành liên quan đến môi trường, khoa học cơ bản vẫn tiếp tục diễn ra.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn