MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: Chân Phúc

Nhiều trường mở ngành Thiết kế vi mạch trong năm 2024

Chân Phúc LDO | 29/02/2024 15:40

Trong năm 2024, nhiều trường đại học đã thông báo mở thêm một số ngành đào tạo mới. Nổi bật trong đó là ngành Thiết kế vi mạch đang nhận được nhiều sự quan tâm trong thời gian gần đây.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện có trên 50 doanh nghiệp FDI đã đầu tư vào Việt Nam về công nghiệp vi điện tử và bán dẫn, trong đó lĩnh vực thiết kế vi mạch đòi hỏi nhiều nhất nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tổng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này theo dự báo của một số chuyên gia kinh tế, trong 5 năm tới khoảng 20.000 nhân lực và 10 năm tới khoảng 50.000 nhân lực từ trình độ đại học trở lên.

Nhằm đáp ứng nguồn nhân lực đó, năm 2024, nhiều trường đại học trên cả nước thông báo mở thêm ngành đào tạo mới Thiết kế vi mạch.

Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia TPHCM (ĐHQG-HCM) thông tin, năm 2024, trường dự kiến mở thêm 2 ngành đào tạo là Thiết kế vi mạch và ngành Khoa học Công nghệ bán dẫn.

"Đây là ngành học nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển nền công nghiệp vi mạch - bán dẫn tại Việt Nam và thế giới", Trường Đại học Khoa học Tự nhiên lý giải.

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM thông báo, năm 2024, trường mở thêm 2 ngành là Kỹ thuật thiết kế vi mạch và ngành Tâm lý học giáo dục.

Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn (SIU) thông báo, dự kiến mở thêm 4 ngành học mới gồm Quan hệ công chúng, Truyền thông đa phương tiện, Công nghệ giáo dục và Công nghệ thông tin (gồm các chuyên ngành Công nghệ thông tin, Công nghệ thông tin y tế, Thiết kế vi mạch, Thiết kế đồ họa).

Trường Đại học Gia Định thông tin, năm 2024, trường dự kiến mở thêm một số chuyên ngành mới, gồm: Quản trị tài chính, Quản trị nguồn nhân lực, Xây dựng - Quản trị kênh truyền thông độc lập và Thiết kế vi mạch.

TS Lê Mạnh Hải - Trưởng khoa Khoa Công nghệ thông tin Trường Đại học Gia Định cho biết, khi học Thiết kế vi mạch, sinh viên sẽ được học các chuyên ngành như: Lập trình thiết kế bằng Verilog, cơ sở điện tử và phân tích mạch, mạch số, thiết kế IC và VLSI, kiểm thử thiết kế vi mạch, thiết kế vi mạch trên FPGA,... Giúp sinh viên nắm vững kiến thức nền tảng và chuyên sâu về kỹ thuật thiết kế vi mạch để ứng dụng; có kỹ năng thiết kế, hiện thực hóa và đánh giá hệ thống, giải pháp của ngành thiết kế vi mạch.

"Sau khi tốt nghiệp, các tân cử nhân thiết kế vi mạch có thể thiết kế, chế tạo vi mạch, đáp ứng yêu cầu về tính năng động, sáng tạo của nghề nghiệp. Với các kiến thức được đào tạo, các bạn cũng có thể ứng tuyển các vị trí kiểm tra, kiểm thử thiết kế và lĩnh vực liên quan đến thiết kế vật lý đang tăng cao. Ngoài ra, các công việc liên quan đến thiết kế logic, thiết kế số cũng là các vị trí mà doanh nghiệp đang “khát” nhân lực", TS Lê Mạnh Hải thông tin.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn