MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình thức học trực tuyến đang được nhiều trường đẩy mạnh khi cho học sinh, sinh viên nghỉ học để phòng dịch bệnh từ virus Corona. Ảnh: Huyên Nguyễn

Nhiều trường ở TPHCM chuyển sang dạy học trực tuyến để phòng virus Corona

HUYÊN NGUYỄN LDO | 04/02/2020 12:33

Để phòng, chống dịch virus Corona, nhiều trường phổ thông, đại học ở TP.Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh phương pháp học trực tuyến. Tuy nhiên, chuyên gia giáo dục cảnh báo không nên chạy theo phong trào.

Đẩy mạnh học trực tuyến ở đại học 

Cho đến thời điểm hiện tại đã có 55 tỉnh thành phố cho học sinh nghỉ học từ 3 ngày đến 1 tuần, hơn 100 trường đại học lùi lịch nhập học trước diễn biến phức tạp của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona.

Lo ngại học sinh, sinh viên bị chậm lịch học, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục do kỳ nghỉ Tết và nghỉ phòng dịch kéo dài, nhiều trường đã đẩy mạnh triển khai hình thức học trực tuyến.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh cho biết nhà trường đã triển khai hình thức học online đã được 4-5 năm rồi nên đã tạo được văn hoá học trực tuyến trong giảng viên, sinh viên. Thậm chí, giảng viên nào không đưa bài giảng lên trên trang học tập của nhà trường còn bị sinh viên phản ứng. 

Với hệ thống LMS, nhà trường đã cung cấp cho tất cả giảng viên và sinh viên tài khoản. Ngay sau khi đăng ký môn học, sinh viên có thể truy cập tài khoản của mình để tham gia các lớp học trực tuyến cùng giảng viên. Thông qua hệ thống này, giảng viên cung cấp clip bài giảng, tài liệu học tập, câu hỏi để sinh viên tham khảo.

"Tất cả các môn học lý thuyết, các thầy cô đều đưa bài giảng, thậm chí câu hỏi hằng ngày lên mạng, việc sinh viên đến trường chỉ để học thực hành và làm các dự án. Việc kiểm tra quá trình học tập cũng được thực hiện online. Năm qua, có đến 90 triệu lượt truy cập của giảng viên, sinh viên vào trang học trực tuyến của nhà trường. Trong điều kiện dịch bệnh, phương pháp này đang hoạt động hiệu quả. Vì vậy, sau đợt tạm nghỉ học do dịch xong khi trở lại lớp học, sinh viên sẽ không mất nhiều thời gian học bù", ông Dũng chia sẻ.

Tương tự, Trường Đại học Văn Lang đang đẩy mạnh hơn nữa hình thức học trực tuyến. Trong thông báo nghỉ học 1 tuần để phòng tránh dịch Corona, trường nhấn mạnh nội dung: "khuyến khích sinh viên tận dụng thời gian nghỉ thêm để ôn tập bài vở, chuẩn bị cho học kỳ mới. Giảng viên cũng có thể tương tác trực tuyến với sinh viên để trao đổi bài tập, học online…".

Theo đó, tất cả môn học đã lên lịch trong tuần nghỉ, giảng viên đưa bài giảng, bài tập lên trang học trực tuyến của trường. Sinh viên sử dụng tài khoản của mình để vào trang và tải bài về học và làm bài tập để kịp tiến độ.

Ông Nguyễn Cửu Đỉnh - Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Văn Lang chia sẻ: "Tuần này nhà trường cho giảng viên, sinh viên nghỉ học nên khuyến khích học trực tuyến hơn. Qua đó cũng nhận thấy qua sự cố dịch, hình thức học online cũng là một hình thức học rất hữu hiệu. Chúng ta nên khuyến khích hình thức này, tuy nhiên, cũng không nên chạy đua theo phong trào, thực hiện một cách hình thức mà không đem lại hiệu quả thực chất", ông Đỉnh nhấn mạnh.

Nên phát triển ở phổ thông

Không chỉ các trường đại học, nhiều trường phổ thông cũng đẩy mạnh hình thức này, nhất là trước diễn biến phức tạp của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra. 

Nhiều trường đã tăng cường các kênh dạy học và tương tác online như Google Classroom, Google Site, Class Dojo, Microsoft Office 365 teams, Quizizz, Facebook social, Learning Kahoot...

Những kênh học tập trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin này cho phép học sinh ở nhà vẫn có thể nhận nhiệm vụ học tập, được hướng dẫn, tương tác, cung cấp kiến thức.

Nhiều hệ thống giáo dục cũng thông báo tài trợ miễn phí cho giáo viên khối THPT trên toàn quốc mở một lớp học online.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, dạy và học trực tuyến đang là xu hướng của thời đại chứ không chỉ là hình thức học khi có dịch bệnh. Một trong những khó khăn mà trường đại học gặp phải là thói quen của học sinh phổ thông chưa quen với cách học trực tuyến này. 

"Hiện nay, điện thoại di động rất phổ biến, sắp tới còn có cả 5G, wifi phủ sóng khắp nơi sẽ tạo điều kiện cho người học học mọi lúc mọi nơi, không cần phải lên lớp nhiều nữa. Vì vậy, bắt buộc trong thời gian tới mô hình này cần được phổ biến rộng rãi hơn ở cả cấp phổ thông", ông Dũng nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn