MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trường THPT Đắk Song nhận được 425 hồ sơ dự tuyển vào lớp 10 nhưng chỉ tuyển dụng được 360 học sinh. Ảnh: H.T.

Nhiều trường THPT ở Đắk Nông "quá tải" học sinh vào lớp 10

Phan Tuấn LDO | 17/08/2022 16:39

Đắk Nông - Năm học 2022-2023, số lượng hồ sơ xét tuyển vào lớp 10 tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh Đắk Nông tăng khoảng 10 -15%, cá biệt có trường tăng hơn 30% so với năm học trước. Do các trường THPT ở gần nhà "quá tải" nên nhiều phụ huynh ở tỉnh Đắk Nông phải "chạy đôn chạy đáo" đi kiếm chỗ học cho con xa nhà từ 10 - 50km tùy từng khu vực.

Số lượng học sinh vào lớp 10 tăng cao

Năm học 2022-2023, hầu hết các trường THPT trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đều gặp áp lực về tuyển sinh lớp 10. Không chỉ riêng những trường ngay trung tâm, nhiều trường THPT tại các huyện Ðắk Glong, Cư Jút, Tuy Ðức… đều có số lượng hồ sơ xét tuyển tăng cao hơn mọi năm.

Trước thực tế trên, nhiều trường Trung học phổ thông ở trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đang bị "quá tải", không đáp ứng nhu cầu của học sinh. Đơn cử như Trường THPT Đắk Song năm học 2022-2023 có 425 học sinh nộp hồ sơ tuyển sinh. Tuy nhiên, do điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên... không đáp ứng được nhu cầu nên nhà trường chỉ tuyển dụng 360 học sinh.

Như vậy, 65 học sinh ở thị khu vực thị trấn trấn Đức An và lân cận phải xin vào học ở trường giáo dục thường xuyên hoặc đi sang các địa phương khác xa nhà hàng chục km để tìm chỗ học. 

Theo UBND tỉnh Đắk Nông, năm học 2022-2023, tỉnh phải ban hành công văn đồng ý cho tăng 662 chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 vào 16 trường THPT trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, trường có chỉ tiêu tăng nhiều nhất là Trường THPT Phan Đình Phùng, ở huyện Đắk Song với 90 học sinh. Tiếp đến là Trường THPT Trường Chinh, ở huyện Đắk R’lấp với 80 học sinh, còn Trường THPT Gia Nghĩa là 66 học sinh...

UBND tỉnh giao Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, hướng dẫn các trường THPT trong công tác tổ chức sĩ số lớp học, bố trí đội ngũ giáo viên phù hợp. Qua đó, bảo đảm việc tăng thêm học sinh không làm quá tải khả năng về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên giảng dạy và điều kiện về tự chủ ngân sách của các trường THPT trong năm học 2022-2023.

Phụ huynh loay hoay kiếm chỗ học cho con

Chị Nguyễn Thị Hồng, ở thôn 11, xã Nam Bình có con năm nay vào lớp 10. Năm học 2022-2023 con trai của chị Hồng có nguyện vọng học tại trường THPT Đắk Song, cách nhà vài km.

Khi nộp hồ sơ xét tuyển từ trên xuống con chị Hồng không đủ điểm vào Trường THPT Đắk Song. Tuy nhiên, ở gần nhà không có Trường THPT nào khác. Chị Hồng phải khăn gói đưa con lặn lội vào Trường THPT Lương Thế Vinh, ở xã Thuận Hạnh cách nhà hơn 17km để học.

"Lần đầu tiên mẹ con tôi tìm đến Trường THPT Lương Thế  Vinh thấy đường đi vòng vèo, phải hơn 17km mới đến được trường. Tôi mong các ngành chức năng xem xét tính mở thêm lớp học chứ con trai tôi chưa đi được xe máy. Trường học thì xa nhà hàng chục km, không thuận đường, không có xe buýt, dịch vụ đưa đón nên những năm tới sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc học của cháu".

Tương tự, con trai anh Trần Văn Lương thay vì được học ở thành phố Gia Nghĩa thì phải xin vào học lớp 10 ở một trường ở tuyến huyện, cách nhà khoảng 40km.

Lý giải về việc này, anh Lương cho biết, tất cả các trường THPT trên địa bàn thành phố Gia Nghĩa năm học này đều gia tăng đột biến về học sinh và đã xét tuyển đủ số lượng. Do con tôi không thể chen chân vào được các trường học ở thành phố Gia Nghĩa nên buộc phải xin vào huyện để học. 

Theo anh Lương, năm nay “cuộc chiến” vào lớp 10 ở trên địa bàn thành phố Gia Nghĩa hết sức khốc liệt. "Năm học mới đang cần kề, để cháu đi học xa nhà vài chục km chúng tôi chưa biết phải sắp xếp như thế nào cho hợp lý. Hy vọng ngành Giáo dục có hướng giải quyết phù hợp, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh và phụ huynh trên địa bàn” - anh Lương trăn trở.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn