MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều trường trung cấp đang rất khó khăn trong tuyển sinh. Ảnh: Huân Cao

Nhiều trường trung cấp ở TPHCM đang "mỏi mắt" tìm thí sinh

Huân Cao LDO | 11/09/2020 06:39

Phần lớn học sinh sau khi tốt nghiệp lớp 12 đều vào học các trường đại học, dẫn đến công tác tuyển sinh tại các trường trung cấp có rất ít thí sinh đến đăng ký học.

Mỏi mắt ngóng tìm thí sinh đăng ký

Tại TPHCM có gần 100 trường trung cấp, phần lớn đều khó tuyển được thí sinh vào học. Ảnh: Huân Cao

Việc lựa chọn học thẳng lên trung cấp sau khi tốt nghiệp THCS đang được nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện đặc biệt. Cụ thể, học sinh đã tốt nghiệp THCS sẽ được hỗ trợ miễn giảm 100% học phí khi đăng ký học trung cấp theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các trường đại học dừng tuyển sinh hệ cao đẳng, trung cấp để "nhường" phần này cho các trường trung cấp chuyên nghiệp. Chính sách ưu tiên cho công tác đào tạo nghề là thế, nhưng trên thực tế các trường trung cấp ngày càng khó tuyển sinh.

Ông Nguyễn Quốc Thệ - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Y dược Vạn Hạnh. Ảnh: Huân Cao

Ông Nguyễn Quốc Thệ - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Y dược Vạn Hạnh (quận 12, TPHCM) cho biết, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 và Nghị định 86 của Chính phủ hỗ trợ rất nhiều để học sinh đi học trường nghề, nhưng trên thực tế hầu hết các trường nghề gần như rất khó trong việc tuyển sinh.

"Việc đậu đại học rất dễ dàng, khi đầu vào đại học, nhất là các trường tư thục ngày càng thấp, cùng với đó là tỉ lệ đậu tốt nghiệp lớp 12 đến 98%, nên những bạn yếu nhất vẫn có thể vào đại học. Đã chính thức bước vào năm học mới, thế nhưng trường chúng tôi chỉ mới tuyển được 30% chỉ tiêu được giao" - ông Thệ nói.

Học sinh thực hành ngành điều dưỡng tại trường Trung cấp Vạn Hạnh. Ảnh: Huân Cao

Ông Nguyễn Công Danh - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Việt Khoa cho biết, năm nay trường tuyển sinh ở 8 ngành, mỗi ngành 50 chỉ tiêu, thế nhưng đến giờ chỉ tuyển được 30 học sinh.

Theo ông Danh các trường trung cấp đang rất khó khăn trong tuyển sinh. Ảnh: Huân Cao

"Trước đây chúng tôi tuyển sinh rất tốt ở những ngành thế mạnh của trường, bởi thời điểm đó có chính sách phân luồng 40% vào đại học, 30% vào cao đẳng, số còn lại vào trung cấp. Thế nhưng hiện nay, có đến 90% học sinh chọn vào đại học, còn lại rất ít vào giáo dục nghề nghiệp, nên vấn đề tuyển sinh trung cấp cực kỳ khó khăn" - ông Danh nói.

Cách nào để hút được học viên?

Lê Hồng Sơn (đứng) chọn học nghề trước vì có thể sớm đi làm phụ giúp gia đình. Ảnh: Huân Cao

Ông Lê Việt Hà - Chủ tịch HĐQT Trường Trung cấp Việt Khoa cho biết, để hút được học sinh vào học nghề, bên cạnh những chính sách của nhà nước thì tự bản thân các trường phải tìm được hướng đi thế mạnh của riêng mình.

"Chúng tôi phải tự mình tạo dựng cho một vài ngành mũi nhọn và có lợi thế để thu hút học sinh vào học. Trường ký kết với mấy đơn vị hỗ trợ để đào tạo những ngành nghề mới thiết thực với nhu cầu thị trường. Phải tạo cho học sinh có cảm giác yên tâm học cái nghề đó là có việc làm ngay, mà không nhất thiết phải có bằng đại học" - ông Hà nói.

Ông Hà chia sẻ thêm thông tin, bản thân các trường trung cấp cũng nên tập trung đào tạo những ngành nghề mà bậc cao đẳng, đại học không có để tạo lợi thế thu hút học sinh vào học.

"Hiện nhà trường mở thêm một ngành mới là ngành kỹ thuật chế biến món ăn hay gọi là đầu bếp. Trước giờ chưa có ai học đại học ngành đầu bếp cả, ngành này tạo cho người học cảm giác chỉ học trong thời gian ngắn 18 tháng nhưng ra trường sẽ có việc làm ngay và thu nhập tốt không kém gì đại học" - ông Hà nói.

Ông Lê Việt Hà - Chủ tịch HĐQT Trường Trung cấp Việt Khoa. Ảnh: Huân Cao

Ông Nguyễn Quốc Thệ - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Y dược Vạn Hạnh cho rằng, để thay đổi thực trạng thừa thầy thiếu thợ hiện nay, chúng ta cần tham khảo kinh nghiệm ở các nước tiên tiến trong công tác phân luồng đào tạo nghề.

"Các nước Đức, Nhật Bản hay Hàn Quốc, ngay từ cấp 2 họ chỉ phân luồng cho 70% vào học cấp 3, còn lại hướng dẫn đi học nghề. Làm được như họ thì tỉ lệ vào trường nghề sẽ tăng lên, có thể mới đáp ứng được đội ngũ lao động có tay nghề trong thời kỳ Công nghiệp hóa đất nước" ông Thệ nói.

Đất nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, nên rất cần đội ngũ lao động có tay nghề. Ảnh: Huân Cao

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn