MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Theo giáo viên Trịnh Tuyết Thu, vấn đề đặt ra là phải tìm phương án tốt nhất cho sự thay đổi, phương án ấy vừa khoa học, hợp lý, vừa không thay đổi quá nhiều những yếu tố có sẵn, tránh gây sốc cho cộng đồng. Ảnh: Zing

Nhìn nhận nghiêm túc tiếng Việt đã bất hợp lí cả trăm năm nay

HUYÊN NGUYỄN LDO | 28/11/2017 19:00
Những bất hợp lý trong tiếng Việt hằng trăm năm qua được hợp lý hoá bằng những ước lệ mang tính mặc định trong cộng đồng sử dụng ngôn ngữ Việt. Đây cũng là lí do vì sao người nước ngoài khó học tiếng Việt.

Những ngày qua, đề xuất cải cách bảng chữ cái tiếng Việt của PGS.TS Bùi Hiền vẫn gây ra những tranh luận gay gắt. Bàn về nội dung này, cô giáo Trịnh Tuyết Thu - giáo viên THPT Chu Văn An Hà Nội cho rằng: “Nhìn nhận nghiêm túc thì tiếng Việt có rất nhiều điều bất hợp lý cả trăm năm nay. Những bất hợp lý này được hợp lý hoá bằng những ước lệ mang tính mặc định trong cộng đồng sử dụng ngôn ngữ Việt.

Ví dụ, các chữ cái c/k/q, gi/r/d, ng/ngh... Những mặc định đó tồn tại lâu dần thành thói quen, từ thói quen thành chuẩn mực chính tả phổ thông. Đây cũng là nguyên nhân gây khó khăn khi người nước ngoài học tiếng Việt. Họ không thể giải thích bằng cơ sở khoa học mang tính logic mà chỉ chấp nhận như một quy ước mặc định. Ví dụ, nhiều học viên thắc mắc về cách viết và cách đọc chữ "gì".

Nữ giáo viên Trường THPT Chu Văn An chia sẻ thêm: Bất hợp lý luôn tiềm tàng nhu cầu thay đổi để giảm thiểu. Tuy nhiên, cần nhìn nhận thực tế rằng, để thay đổi thói quen đã hình thành hàng trăm năm là điều cực kì khó khăn: Khó từ việc phương án thay đổi tới vấn đề giải quyết những hệ lụy cũ trong các văn bản hàng trăm năm nay, đặc biệt là tâm thế tiếp nhận của cộng đồng.

Vậy vấn đề đặt ra là phải tìm phương án tốt nhất cho sự thay đổi, phương án ấy vừa khoa học, hợp lý, vừa không thay đổi quá nhiều những yếu tố có sẵn, tránh gây sốc cho cộng đồng.

Trở lại với phương án do PGS.TS Bùi Hiền đề xuất, cô Thu cho rằng, có quá nhiều sự thay đổi chưa thuyết phục được người sử dụng tiếng Việt. Vì thế, đề xuất này gây phản ứng là dễ hiểu.

“Tiếng nói có trước, chữ viết có sau để ghi âm tiếng nói, vậy chữ phải thể hiện được đầy đủ các sắc độ tinh tế của tiếng nói, không thể xoá nhoà và đồng nhất các sắc độ ấy. Sự thay đổi này cũng liên quan tới việc thiết lập lại hệ thống kí tự và dấu tiếng Việt trên máy tính; đặc biệt làm phương hại khá nhiều tính thẩm mĩ của chính tả tiếng Việt”, cô Thu bày tỏ.

Đánh giá đây là một nghiên cứu khoa học rất mới mẻ, sáng tạo nhưng TS Vũ Thu Hương - Khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng thực tiễn áp dụng thì còn kém. Việc sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt hiện tại đã khá phức tạp với người dân tộc, người Việt sống ở nước ngoài. Nếu áp dụng nghiên cứu này vào cuộc sống, chắc chắn sẽ còn khó học hơn. Thậm chí, còn phải tính đến chi phí học, tập huấn cho cán bộ làm việc với văn bản, với các tài liệu cũ và trong ngành giáo dục, có thể nói là tốn kém cực lớn mà quan trọng nhất là không cần thiết. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn