MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Những bài học gây tranh cãi trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1

Thiều Trang - Bích Hà LDO | 10/10/2020 19:08

Sau ồn ào về chương trình nặng gây áp lực cho học sinh, SGK Tiếng Việt lớp 1 đang là chủ đề để phụ huynh bàn luận vì có nhiều bài học gây tranh cãi. Thậm chí một số bài học bị cho là có nội dung khó hiểu, không phù hợp với trẻ lớp 1.

Người Việt phải tra từ điển Tiếng Việt

Năm học mới đã bắt đầu hơn một tháng, nhưng nhiều phụ huynh có con học lớp 1 vẫn đang trong tình trạng "chật vật" dạy con đọc chữ ghép vần, đặc biệt là giúp con hiểu chính xác nghĩa tất cả từ trong sách giáo khoa (SGK) mới môn Tiếng Việt.

Các bài học trong sách tiếng Việt 1 đang là chủ đề tranh cãi trong dư luận.

Chị L.T.D (có con học lớp 1 tại quận Hoàn Mai, Hà Nội) cho biết, SGK Tiếng Việt có rất nhiều từ mới lạ, thậm chí chị không thể giải nghĩa được.

"Nhiều khi con hỏi, mẹ ơi cây lồ ô là cây gì? con quạ kêu quà quà phải không mẹ? hay pi a nô là gì ạ? Mình đã phải tìm hiểu kỹ mới có thể trả lời con. Thật sự dạy trẻ lớp 1 bây giờ không hề dễ dàng" - Chị D thở dài.

Tương tự trường hợp trên, anh T.V.T (có con học tại Sa Đéc, Đồng Tháp) chia sẻ, gần đây anh thường xuyên phải sử dụng từ điển Tiếng Việt để dạy con.

"Mới lớp 1 thôi con đã phải học những từ rất khó và mang đặc trưng vùng miền khác. Ví dụ như từ "chả" trong "chả có gì, chả lo gì, chả sợ"; từ "nhá" trong "nhá cỏ, nhá dưa"; từ "chộp" trong "chộp gà nhép" hay "xe téc"... Các từ này không phải từ phổ thông nên rất khó hiểu.

Thật sự người lớn còn phải dùng từ điển thì làm sao trẻ con lớp 1 có thể tiếp thu và nhớ sâu được" - anh T chia sẻ.

"Câu văn lủng củng, nội dung rời rạc, ý nghĩa thiếu sâu sắc"

Đó là nhận định của nhiều phụ huynh trực tiếp dạy kèm con trong thời gian gần đây.

Anh T.V.V (phụ huynh tại Thanh Hóa) đưa ra dẫn chứng về bài Tập đọc Ví dụ, trang 89, SGK Cánh Diều.

Bài tập đọc Ví dụ bị phụ huynh cho là không nhiều ý nghĩa nhân văn (Ảnh: NQV)

"Các câu văn được cố tình làm cho ngô nghê nhưng rất cộc lốc, nhạt nhẽo và thiếu tinh tế. Hơn nữa, bài tập đọc không để lại ý nghĩa sâu sắc gì" - anh V chia sẻ.

Chị Lê Thị Thanh (phụ huynh tại Hưng Yên) cũng đồng quan điểm trên và đưa ra ví dụ về bài Tập đọc "Hai con ngựa", trang 157, SGK Cánh Diều.

Bài tập đọc Hai con ngựa (Ảnh: CMH)

Chị Thanh cho rằng nội dung bài học không phù hợp với trẻ lớp 1 thậm chí còn mang ý nghĩa phản giáo dục. "Như thế chẳng khác gì dạy các con lười biếng, ham chơi và trốn họ" - chị B nhấn mạnh.

Một vài phụ huynh khác cũng thắc mắc về nội dung của bài Tập đọc Chuột út, trang 133, SGK Cánh Diều.

"Gà trống là thú dữ ư?" - phụ huynh thắc mắc (Ảnh: NQV)

Chị Khánh Minh (phụ huynh tại Thái Bình) cho rằng các câu trong bài quá lủng củng, nội dung thiếu độc đáo, tác giả sử dụng nhiều từ gây khó hiểu như "lũn cũn, "thô lố",... Đặc biệt, chị Minh rất thắc mắc "Gà trống là thú dữ ư?".

Bài học được thiết kế theo hướng mở

Bên cạnh những ý kiến cho rằng nhiều bài học trong SGK tiếng Việt 1 không có giá trị giáo dục, thì không ít người lại có quan điểm ngược lại.

Một giáo viên tại Hưng Yên cho biết, các bài học trong sách Cánh diều đang gây tranh luận thực ra được các tác giả viết rất sáng tạo, theo hướng mở, để giáo viên có thể chủ động trong việc dạy học.

"Thực ra đọc qua mình thấy đây là một bài học được biên soạn rất xuất sắc. Văn chương là ý tại ngôn ngoại, cách kết thúc bất ngờ như vậy mới là giáo dục. Và nhiệm vụ của giáo viên là định hướng cho học sinh việc nào đúng, việc nào sai"- giáo viên này nói.

Nhiều người khác thì chỉ ra, các bài học trong sách Cánh Diều được thiết kế thành nhiều phần, nhưng đã bị cắt ghép, hoặc chỉ chụp phần 1, rồi đăng tải lên mạng xã hội, đưa ra chỉ trích thiếu khách quan.

Các bài học được thiết kế làm nhiều phần, nhưng một số người chỉ đọc phần 1 rồi đưa ra bình luận, chê bai cuốn sách.

"Bài 63, 64 SGK Tiếng Việt 1 Cánh diều, bài đọc "Cua, cò và đàn cá" có 2 phần, đứa học trò lớp 1 của tôi cũng biết điều đó vì sau tên bài ghi rõ 1, 2. Nhưng nhiều người chỉ chụp nửa bài (1) lên và la làng "Cua đâu rồi?".

Bài 88, 89 " Hai con ngựa" cũng gồm 2 phần, phỏng theo một câu chuyện ngụ ngôn nổi tiếng. Các vị cũng chỉ chụp phần 1 và la toáng lên sao lại dạy trẻ lừa lọc" - một phụ huynh phân tích.

Hiện những bài tập đọc trên vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi. Nếu quý phụ huynh có ý kiến xin hãy bình luận dưới bài viết bài này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn