MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sản phẩm dự thi KHKT dành cho học sinh được giới thiệu trên mạng xã hội dành cho ai có nhu cầu "tư vấn, thiết kế". Ảnh: Hải Đăng

Những chuyển biến mới nhất về cuộc thi khoa học kĩ thuật

QUANG ĐẠI LDO | 21/07/2023 10:06

Sau khi bị báo chí, dư luận phản ánh, nghi ngờ về tính chất hình thức, không trung thực của cuộc thi khoa học kĩ thuật dành cho học sinh trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, một số địa phương đã có những động thái mới.

Một vài năm trở lại đây, có nhiều bài phản ánh những hiện tượng bất cập, nghịch lý, có dấu hiệu tiêu cực, gian dối của cuộc thi khoa học kĩ thuật (KHKT) dành cho học sinh đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Dư luận phản ứng, nghi ngờ về tính trung thực của cuộc thi. Đã có nhiều phản ánh, khiếu nại, tố cáo liên quan đến cuộc thi. Nhiều giáo viên, các cán bộ quản lý giáo dục bày tỏ mong muốn bãi bỏ cuộc thi, đỡ gánh nặng và áp lực cho nhà trường, giáo viên.

Đến năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã lấy ý kiến toàn thể giáo viên về cuộc thi KHKT quốc gia dành cho học sinh trung học, trong đó có câu hỏi có nên dừng cuộc thi hay không. Tuy nhiên đến nay, chưa thấy Bộ GDĐT công bố kết quả.

Sau chung kết cuộc thi KHKT quốc gia năm 2023, không thấy Bộ GDĐT công bố tên và tác giả các dự án đạt giải.

Hiện tượng tương tự xảy ra tại một số địa phương, khi thông tin về tên và tác giả các dự án đạt giải cuộc thi cấp tỉnh không được công bố trên báo chí.

Đặc biệt, tại cuộc thi KHKT dành cho học sinh năm 2023, Sở GDĐT TP.HCM đã dùng phần mềm chống đạo văn để chấm thi; các giám khảo cũng sẽ chú ý các thể hiện, chỉ báo xem có phù hợp với kiến thức, trình độ học sinh hay không.

Theo đại diện Sở GDĐT TPHCM, Ban giám khảo lưu ý về nội dung, phương pháp thực hiện dự án xem có phù hợp với các yếu tố thời gian, cơ sở vật chất, phương tiện nghiên cứu hay không; so sánh đối chiếu dự án dự thi với các nghiên cứu trước đó và giữa các dự án cùng đề tài…

Tại vòng chung khảo cấp thành phố, nội dung phỏng vấn của ban giám khảo với học sinh đặc biệt được chú trọng. Các câu hỏi của ban giám khảo không chỉ giúp học sinh thể hiện được rõ nét năng lực của bản thân mà còn xác minh tính trung thực của dự án.

Ngoài ra, ban giám hiệu các nhà trường cũng phải có sự đảm bảo về dự án dự thi của học sinh.

Trong nội dung trao đổi gần đây về cuộc thi KHKT dành cho học sinh với báo chí, bên cạnh việc khẳng định mục đích tích cực của cuộc thi, ông Nguyễn Tân - Giám đốc Sở GDĐT Thừa Thiên Huế chia sẻ: Nếu tổ chức không khéo, chúng ta rất dễ vô tình hình thành cho học sinh sự dối trá, dựa dẫm vào việc sao chép, đạo văn,... như vậy sẽ đi ngược lại với mục tiêu ban đầu là khơi dậy ý tưởng sáng tạo khoa học kỹ thuật cho học sinh.

Cùng với đó, tại một số địa phương, số dự án về lĩnh vực khoa học xã hội và hành vi đạt giải tăng lên nhiều hơn, số dự án về các lĩnh vực kĩ thuật cao và chuyên sâu có hiện tượng giảm bớt.

Theo nhiều giáo viên, những diễn biến nói trên cho thấy, Bộ GDĐT và một số Sở GDĐT, nhà trường đã nắm bắt được thông tin phản ứng từ dư luận về cuộc thi KHKT dành cho học sinh và có một số động thái đối phó, xử lý.

Theo thông tin từ Bộ GDĐT, cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học được Bộ GDĐT tổ chức lần đầu vào năm 2013. Hằng năm mỗi tỉnh có từ 200 - 300 dự án tham gia vòng sơ tuyển để lựa chọn tham gia vòng chung kết cuộc thi cấp tỉnh, lựa chọn từ 2 - 6 dự án tham gia cuộc thi cấp quốc gia.

Trong 10 năm (2013-2022), cả nước có 25.044 học sinh tại 10.469 trường trung học tham dự, có 14.115 dự án dự thi cấp tỉnh và có 7.253 dự án đạt giải cấp tỉnh. Mỗi năm có hàng chục dự án đạt giải quốc gia, quốc tế.

Tuy nhiên, cho đến nay, chưa thấy Bộ GDĐT công bố về thông tin có bao nhiêu dự án đạt giải từ cuộc thi có ứng dụng thực tế và được cấp bằng sáng chế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn