MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

"Những chuyến đò" chở hàng trăm đứa trẻ bụi đời

Phương Anh - Tú Nhàn LDO | 20/11/2019 14:27
Cứ 19h hàng ngày, lớp học không học phí giữa lòng TPHCM lại rộn rã tiếng cười nói của những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.

"Con cũng muốn biết chữ như người ta"

Nằm sâu trong con hẻm thuộc đường Huỳnh Thiện Lộc (quận Tân Phú, TPHCM), lớp học tình thương do CLB Lửa Việt trở thành nơi học tập, sinh hoạt của hàng trăm em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, kiếm sống bằng nghề bán vé số, lượm ve chai.

Lớp học tình thương với đủ mọi lứa tuổi giữa lòng TPHCM.

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi bước vào “ngôi nhà chung” là lời chào đồng thanh lễ phép từ khoảng 40 em nhỏ. Lớp học rất lạ, có em 6 tuổi, em chừng lên 10, cũng có thành  viên vừa tròn sinh nhật tuổi 16.

Cuối lớp, Phát (16 tuổi), cậu học sinh có thân hình quá nhỏ so với tuổi đang tập viết từng chữ A,B,C. Phát và em không được bố mẹ nuôi, phải ở nương nhờ nhà dì. Để phụ dì, hàng ngày Phát đi bán vé số, bán trà tắc kiếm tiền.

Theo lời thầy cô, hàng ngày sau giờ bán trà tắc, Phát lại tới đây đi học, không bỏ lỡ buổi nào. Nhiều hôm trời mưa, trà tắc ế, thương Phát nên thầy cô thường mua giúp em.

Phát muốn đi học để sau này có thể giúp đỡ người dì tảo tần nuôi hai anh em. Ảnh: Phan Anh

“Hôm nào bán ế các cô lại mua giúp con. Bán vé số cũng bận lắm nhưng con muốn đi học để biết chữ như người ta. Con học sau này còn giúp dì bớt khổ” – Phát vừa cười nói vừa vội chép bài cho theo kịp các bạn.

Cũng như Phát, hàng chục học sinh tại lớp học tình thương của CLB Lửa Việt đều mong muốn chung là biết được con chữ, con số, tiếp cận đến tri thức.

"Biết chữ mới thay đổi được số phận"

Chia sẻ về quá trình thành lập câu lạc bộ, chị Nguyễn Ngọc Trâm Anh - Phó Chủ nhiệm CLB Lửa Việt cho biết: “Từ những lần chứng kiến các em nhỏ lang thang không biết đọc chữ nên lạc đường, bị người xấu lợi dụng lừa gạt hết tiền, chúng tôi thương lắm, nhưng việc giúp đỡ về vật chất thì vượt quá khả năng.

Từ đó, mới nảy ra ý tưởng hay là cùng góp công sức mỗi người một ít để giảng dạy cho các em. Chỉ có biết chữ, tiếp cận tri thức thì các em mới có thể thay đổi số phận mình được”.

Lớp học tình thương ngày càng đông. Nhiều phụ huynh có con tự kỷ cũng cho con theo học lớp học đặc biệt này.

Thế rồi, từ 1-2 trẻ xin học, số lượng trẻ đến lớp ngày càng tăng, từ 30 lên 60, rồi gần 100.  Ban đầu chỉ dạy cấp 1, bây giờ lớp đã dạy những em lớp 9, lớp 10. Nhóm bàn tính đến phương án thuê hẳn một căn nhà với giá 11 triệu đồng/tháng để làm chỗ dạy, đồng thời cũng là nơi ở cho các bạn tham gia. Thay vì đi thuê phòng trọ ở đâu đó thì thuê ở đây, cùng chia nhau trả.

“Được nước làm tới”, nhóm quyết “chai mặt” đi xin bàn ghế cũ, bảng đen cũ từ các đơn vị. Thấy sự tâm huyết của nhóm bạn trẻ, nhiều nơi đã hỗ trợ hết mình. Thế là bắt tay vào dạy, bắt tay vào học, thấm thoát mà đã hơn 5 năm trôi qua.

Khi mọi thứ đi vào nề nếp, thì nỗi lo thường trực trên vai các thầy cô là các em “đói quá không có cái mà ăn”.

Anh Sầm Văn Tự - Phó Chủ Nhiệm CLB Lửa Việt tâm sự: “Nhiều em đi bán nhưng gặp trời mưa lại đói, không có tiền mà ăn. “Có thực mới vực được đạo”, mỗi buổi dạy học mà thấy các em không có cái bỏ bụng chúng tôi xót ruột lắm. Thế là lại “muối mặt” đi xin".

Không dừng lại ở việc dạy con chữ, anh Huỳnh Ngọc Định – chủ nhiệm CLB còn luôn đau đáu phải dạy thêm cho các em các kỹ năng về tin học cho những “đứa con” của mình.

“Giờ chỉ mong có đơn vị nào tài trợ thêm máy tính để các em được tiếp cận công nghệ thông tin cho theo kịp bạn bè trang lứa. Tâm nguyện lớn nhất của tôi là các em sinh ra đã khổ, nhưng từ bước đệm của mình mà các em thay đổi được cuộc đời” – anh Định nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn