MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Những đóa hoa dại ngày 20.11 và niềm vui của giáo viên vùng cao

Đặng Chung LDO | 17/11/2019 10:49

Trải qua những khó khăn, trong đầu từng xuất hiện  suy nghĩ... "hay là bỏ nghề", nhưng những ánh mắt ngây thơ, đóa hoa dại các em học sinh vùng sâu, vùng xa tặng trong ngày 20.11 đã giúp thầy cô có thêm động lực, quyết định gắn bó với sự nghiệp "gieo chữ" ở vùng cao đến tận bây giờ.

Tối 16.11, buổi lễ tuyên dương "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2019, vinh danh 63 giáo viên đại diện cho hàng ngàn nhà giáo đang dạy học sinh dân tộc thiểu số trên khắp đất nước đã diễn ra ấm cúng và xúc động tại Hà Nội.

63 thầy cô được vinh danh, mỗi người đến từ những miền quê khác nhau, có người đây là dịp đầu tiên được về thăm thủ đô... nhưng có điểm chung là tình yêu nghề, mến trẻ. Họ là những tấm gương can đảm gác lại sau lưng những cơ hội tốt chốn thành thị, thậm chí rời xa người thân, gia đình đến với những bản làng, những vùng miền còn khó khăn để "gieo chữ", vẽ ước mơ cho những đứa trẻ vùng cao.

63 giáo viên được tôn vinh trong chương trình Chia sẻ cùng thầy cô 2019. 

“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?”

Thầy giáo Vi Mộng Hoàng (28 tuổi, giáo viên Trường Tiểu học Nặm Nhũng, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) đã mượn ca từ trong bài hát "Một đời người, một rừng cây" của nhạc sĩ Trần Long Ẩn để nói về lý do thầy quyết định gắn bó với những em học sinh của huyện biên giới vùng cao hơn 7 năm qua.

1.11.2012 là ngày đầu tiên thầy Hoàng nhận quyết định công tác tại Trường Tiểu học Vân An (huyện Hà Quảng). Đây là ngôi trường ở xã biên giới, đường đi lại vô cùng khó khăn. Khi ấy, bà con dân tộc không nhiều người nói được tiếng Kinh, rào cản ngôn ngữ, đường sá, những khó khăn trong việc vận động trẻ đến trường... đã khiến thầy giáo trẻ nản chí dù rất nhiệt huyết với nghề.

Cũng trong những ngày đầu đó, không ít lần ý định bỏ việc đã nảy ra trong đầu, vì trước đó dù đã tìm hiểu nhưng thầy không tưởng tượng sao lại vất vả, khó khăn đến thế. 

"Cũng trong năm đó, vào ngày 20.11, tôi lên lớp dạy và thấy các em quấn quýt, trò chuyện về Ngày Nhà giáo. Có em còn ngắt hoa dại ven đường để tặng thầy. Món quà ngày 20.11 đầu tiên trong cuộc đời làm nhà giáo của tôi là cả một bàn hoa dại.

Rồi tôi xuất hiện trong những bài văn tả người mà các em yêu quý. Đó là kỷ niệm tôi không thể nào quên.

Sau ngày 20.11 của năm đó, ý nghĩ bỏ trốn khỏi nơi này đã thật sự tan biến. Món quà giản dị, những nụ cười, ánh mắt trong veo của những đứa trẻ cùng cao đã níu tôi ở lại. Cảm ơn các em đã cho tôi những kỷ niệm, tình yêu và thêm trân quý nghề của mình” - thầy Hoàng xúc động chia sẻ.

 Thầy Vi Mộng Hoàng bên học trò của mình.

7 năm làm nghề và mới chuyển công tác về Trường Tiểu học Nặm Nhũng, dù có nhiều cơ hội, nhưng thầy Hoàng vẫn chọn huyện miền núi Hà Quảng để gắn bó.

Với thầy, đơn giản vì: Các em học sinh ở những vùng sâu, vùng xa không được lựa chọn nơi mình sinh ra, nhưng các em được chọn ước mơ để thực hiện. Thầy cô chính là người truyền cảm hứng, năng lượng tích cực, chắp cánh cho ước mơ của những đứa trẻ nghèo bay cao, bay xa hơn.

Cảm phục những người "gieo chữ trên mây"

Cũng như thầy Hoàng, cô Lê Thị Thắm (Trường Mầm non Phú Gia, huyện Hương khê, Hà Tĩnh) đã tình nguyện gắn bó tuổi thanh xuân của mình với các em học sinh vùng khó.

Mỗi ngày cô vượt quãng đường 20 cây số đường đèo để đến trường dạy học. Những hôm trời mưa to, đường trơn và dốc, đá chèn cây đổ, nhiều lần đã khóc, nhưng đến giây phút hiện tại, cô chưa từng hối hận về công việc của mình - một cô giáo vùng cao. 

"Thương con mình bao nhiêu, thương các em học sinh vùng cao bấy nhiêu. Học sinh ở bản, bữa cơm chỉ là rau rừng chấm muối trắng, nhưng các em vô cùng tình cảm. Các em khó và khổ mà vẫn không từ bỏ hành trình chinh phục con chữ, là giáo viên, tôi không cho phép mình lười biếng, chán nản. Khó khăn nào cũng có thể vượt qua, chỉ cần có tấm lòng"- cô Thắm tự động viên mình và đồng nghiệp.

Cũng như thầy Hoàng, cô Thắm, những thầy cô được vinh danh trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô năm 2019" đều khiến nhiều người cảm phục, xúc động trước sự hy sinh cho sự nghiệp giáo dục, dạy chữ cho con em đồng bào dân tộc.  Có người từng gắn bó với bản làng trong suốt sự nghiệp, có người mang bệnh nhưng vẫn dành hết sức lực để đứng lớp...

Đồng chí Tòng Thị Phóng - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội.

Trước những đóng góp của các thầy cô, đồng chí Tòng Thị Phóng - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội - khi đến dự chương trình đã xúc động chia sẻ và gửi lời động viên: 

"Đồng bào, đồng chí, cô bác và học sinh các tỉnh miền núi luôn khắc ghi sâu đậm và chia sẻ cùng các thầy giáo, cô giáo đã vượt qua những ngày rét buốt, đường sá gập ghềnh trên đỉnh núi cao như đi trên mây, qua những bữa no, bữa đói mà vẫn bám trụ nơi bản làng vùng cao để vận động các em đến trường, dạy dỗ các em nên người.

Đồng bào và các bậc phụ huynh đã gọi các thầy, cô là những người gieo chữ trên mây, cõng chữ lên núi, lên non. Những câu nói ấy đã thể hiện sự cảm phục, quý mến, tôn vinh sự hy sinh thầm lặng của các thầy cô".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn