MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia (ảnh: AV)

Những “hạt sạn” kéo dài trong đề thi Ngữ văn THPT quốc gia

QUANG ĐẠI LDO | 18/05/2017 15:19
Từ năm 2015, Bộ GD-ĐT tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, còn được gọi là kỳ thi “hai trong một” (sử dụng kết quả thi để xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH). Đề thi môn Ngữ văn từ đó thay đổi, có thêm phần “đọc - hiểu” với 3 điểm. Tuy nhiên, nhiều giáo viên đã chỉ ra những bất cập của phần thi này.

Đơn giản, máy móc

Nhận xét về đề thi Ngữ văn THPT quốc gia tham khảo mà Bộ GD –ĐT vừa công bố, thầy Vương Đình Đông, GV Ngữ văn THPT tại Nghệ An, cho biết: “Tôi thấy phần đọc – hiểu yêu cầu sơ sài, đơn giản. Một số câu, thí sinh chỉ cần chép lại ngữ liệu là có điểm. Cũng có thể đây là cách để “giúp” thí sinh yếu kém gỡ điểm”.

Thầy Trần Ngọc Hà, GV Ngữ văn THPT tại Hà Tĩnh, nói: “Đề thi yêu cầu thí sinh chỉ ra các biện pháp tổ chức, liên kết đoạn văn như móc xích, song hành, quy nạp… là những kiến thức của bậc THCS.

Mặt khác, để hiểu một văn bản, phát ngôn, người đọc, nghe cần được tiếp nhận một cách trọn vẹn văn bản, trong ngữ cảnh với các mối quan hệ của nó. Ở đây, đề thi đưa ra một trích đoạn, rồi yêu cầu thí sinh đọc – hiểu, là không đúng về mặt lý thuyết tiếp nhận ngôn ngữ.

Đã có trường hợp, ngay cả đáp án của Bộ GD –ĐT cũng thể hiện cách hiểu không đúng với nội dung, thông điệp của văn bản”.

Cô Thuỷ Lâm, GV Ngữ văn THPT tại Quảng Trị, nói ngắn gọn: “Theo tôi, việc đưa phần đọc - hiểu vào cấu trúc đề thi là không hợp lý. Nhưng bây giờ việc đã lỡ rồi, sát kỳ thi rồi”.

Phi khoa học

Thầy Lê Văn Vỵ, GV cao cấp Ngữ văn THPT tại Hà Tĩnh, phân tích: “Phần thi đọc – hiểu được áp dụng trong các kỳ thi sát hạch đối với học sinh tiểu học, hoặc đối với những người học ngoại ngữ.

Đối với HS đã học xong chương trình THPT, đương nhiên các em đã thông thạo tiếng mẹ đẻ. Đề thi đã có các nội dung tạo văn bản nghị luận xã hội, bình luận, phân tích tác phẩm văn học, yêu cầu HS phải có trình độ cao về kỹ năng sử dụng ngôn ngữ. Việc kiểm tra kỹ năng đọc - hiểu trong trường hợp này không cần thiết, phi khoa học”.

Thầy Vỵ phân tích thêm, ngay cả trong phần thi đọc – hiểu này, đã có những đòi hỏi vượt quá yêu cầu “đọc – hiểu”. Ví dụ, tại đề thi quốc gia năm 2016, sau khi trích đoạn bài thơ “Tiếng Việt” của Lưu Quang Vũ, đề yêu cầu: “Từ đoạn trích, anh/chị hãy bày tỏ cảm nghĩ của mình về tiếng Việt?” (câu 4 phần đọc - hiểu). Đây là một yêu cầu thuộc về phát biểu cảm nghĩ, tạo lập văn bản, không còn thuộc yêu cầu “đọc – hiểu”.

Câu 8 của phần thi đọc - hiểu, đề thi quốc gia năm 2016 yêu cầu: “Anh chị suy nghĩ như thế nào về cuộc sống của con người khi thoát ra khỏi “cái tuyệt đối cá nhân”, cũng không còn thuộc dạng đề “đọc - hiểu”.

Câu 4 và câu 8 phần thi “đọc - hiểu”, đề thi môn Ngữ văn kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 cũng đã “thoát” khỏi yêu cầu “đọc - hiểu”.

Một GV Ngữ văn khác phân tích thêm: “Bộ ra đề như thế nào thì ở phổ thông sẽ dạy và học như vậy. Nhìn vào đề thi tham khảo, thấy chất văn chương, nghệ thuật thì ít, mà các kiến thức cấp THCS và máy móc thì nhiều. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới định hướng dạy học”.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn