MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều trường đại học sẽ tuyển sinh riêng nếu kỳ thi THPT quốc gia 2020 không thể diễn ra. Ảnh: Hải Nguyễn

Những kịch bản tuyển sinh 2020 nếu không kịp tổ chức thi THPT quốc gia

Đặng Chung LDO | 14/04/2020 07:50

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến khó lường, nhiều ý kiến đề xuất không nên thi THPT quốc gia mà thực hiện xét tốt nghiệp cho học sinh. Trong trường hợp kỳ thi không thể diễn ra, việc tuyển sinh năm nay sẽ diễn ra thế nào? Các trường đại học đã đưa ra quan điểm về vấn đề này.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – Đại học Quốc gia Hà Nội:  Không thể đánh đổi chất lượng

Trong trường hợp kỳ thi THPT quốc gia không thể diễn ra và các trường đại học xét tuyển bằng học bạ thì sẽ có nhiều tình huống xảy ra.

Vì trường THPT ở các địa phương khác nhau, có mặt bằng về giáo viên, cơ sở vật chất, chất lượng khác nhau nên mức đánh giá trong học bạ không tương đương nhau.

Ví dụ một em học điểm toán 9.0, học lực giỏi theo học bạ của trường này không có nghĩa tương đương với học lực giỏi ở một trường khác. Khi đó, chúng ta xét theo học bạ sẽ có yếu tố thiếu chính xác, công bằng về học lực và có thể có yếu tố thiếu khách quan.

 GS.TSKH Nguyễn Đình Đức. Ảnh: VNU

Mặt khác, thực tế cũng cho thấy một số trường THPT cũng không quá khắt khe khi đánh giá, thậm chí “biếu điểm” cho học sinh. Khi đó, mặc dù có thể có học bạ tốt và trúng tuyển vào ngành yêu thích, nhưng khi vào học lại rất khó để theo học được.

Riêng với năm nay, dịch bệnh là vấn đề toàn cầu, ảnh hưởng lớn đến việc học tập và tuyển sinh. Một số nước đã đóng cửa trường học. Nhiều nước cho học sinh, sinh viên nghỉ học, nhưng chưa có trường nào tuyên bố thay đổi phương thức tuyển sinh.

Điều đó có nghĩa là họ chấp nhận “chậm dần đều”, năm học có thể lùi lại và tuyển sinh cũng có thể lùi lại.

Tại sao Việt Nam chúng ta không đi theo trào lưu đó? Chất lượng phải là tiêu chí hàng đầu. Về nguyên tắc, việc giảng dạy online là giải pháp tình thế và thậm chí năm học có thể kéo dài và dạy bù, nhưng không có nghĩa chúng ta đánh đổi về mặt chất lượng.

Với năm nay, phương án lý tưởng là hy vọng bệnh dịch sớm kết thúc và chúng ta vẫn kịp tổ chức được kỳ thi THPT quốc gia như kỳ vọng.

Hai là, đành phải chấp nhận giải pháp tình thế, là phương án xét học bạ chỉ như là sơ tuyển. Có thể tuyển thẳng với các em học sinh giỏi các trường chuyên, đoạt giải quốc gia, quốc tế, sau đó các trường cần chủ động có phương án tổ chức các kỳ thi tuyển (trên giấy hoặc máy tính). Với các điều kiện cơ sở vật chất hiện tại thì bài thi giấy sẽ thuận lợi hơn (khi hết dịch COVID-19).

Các trường nhỏ hơn và chưa có điều kiện tổ chức kỳ thi riêng thì có thể hợp tác và lấy điểm thi đầu vào của các trường này làm căn cứ xét tuyển đại học.     

PGS.TS Lê Thành Bắc -Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng: Giao cho cụm trường tổ chức thi riêng

 PGS.TS Lê Thành Bắc.

Kỳ thi THPT quốc gia 2020 vẫn được tổ chức sẽ thuận lợi hơn không chỉ cho Đại học Đà Nẵng mà còn cho nhiều trường khác.  

Nếu không thể tổ chức được kỳ mà phải dùng phương án xét tuyển học bạ hay các phương án khác sẽ dẫn đến xáo trộn nhiều công tác xét tuyển đại học năm nay. Có thể xảy ra cạnh tranh không lành mạnh, khó kiểm soát chất lượng…. Do vậy, trong trường hợp kỳ thi THPT không thể được tổ chức, Bộ GDĐT cần có hướng dẫn chi tiết.

Ngoài ra, Bộ có thể giao cho cụm trường (Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM) hay một số trường top trên đủ điều kiện tổ chức thi riêng. Các trường top dưới có thể đăng ký tham gia hoặc lấy kết quả thi của các cụm trường để xét tuyển. Vì thực tế hiện nay các trường đều đa dạng hoá phương thức xét tuyển, trong đó xét tuyển học bạ gồm năm 11 và kỳ 1 năm 12 khá phổ biến.

TS Phạm Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương: Mong Bộ GDĐT quyết định sớm

TS Phạm Thu Hương. Ảnh: Đình Tuệ 

Trong điều kiện tốt nhất việc tiếp tục triển khai kỳ thi THPT quốc gia đáp ứng yêu cầu của xét tuyển đại học sẽ giảm thiểu được những xáo trộn cho học sinh lớp 12 cũng như cho các cơ sở giáo dục đại học.

Còn trong trường hợp không thể tổ chức thi mà có phương án công nhận kết quả hoàn thành chương trình giáo dục THPT cho học sinh, thì các trường đại học sẽ phải chủ động hơn trong phương án tuyển sinh và sớm thông tin đến cho thí sinh.

Cho dù phương án nào thì chúng tôi cũng rất mong Bộ GDĐT có quyết định sớm để các cơ sở giáo dục đại học chủ động hơn về phương án tuyển sinh và sớm thông tin tới cho thí sinh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn