MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên Chương trình GDPT môn Ngữ văn 2018.

Những lí do Bộ GDĐT không nên biên soạn thêm 1 bộ SGK

Trà My (thực hiện) LDO | 06/08/2023 18:53

Đề xuất để Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa (SGK) được đưa ra trong bối cảnh Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được triển khai năm thứ ba, ở cả 3 cấp. Đề xuất này nhận được nhiều ý kiến trái chiều, sự quan tâm từ dư luận xã hội.

Báo Lao Động đã có cuộc trò chuyện cùng PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên Chương trình GDPT môn Ngữ văn 2018 về vấn đề này.

Theo ông, sau 3 năm triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 có đáp ứng yêu cầu đặt ra tại Nghị quyết 88/2014/QH13 hay không?

- Nghị quyết 88/QH có 2 điểm mới rất quan trọng: Một là triển khai theo hướng 01 chương trình nhiều SGK và hai là khuyến khích xã hội hóa (không dùng ngân sách nhà nước) trong việc biên soạn SGK.

Không phải là 3 năm mà các bộ sách đã triển khai biên soạn 5 năm, tức là ngay sau khi chương trình ban hành năm 2018. Đến nay, đang thẩm định sách lớp 5, 9 và 12 là đã có đủ sách từ lớp 1 đến lớp 12 ở tất cả các môn học. Tất cả các sách nếu được Bộ trưởng Bộ GDĐT phê duyệt đều là sách của Bộ cả.

Những ngày qua xuất hiện các đề xuất để Bộ GDĐT biên soạn thêm một bộ SGK nữa. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

- Năm 2014, tôi là một trong vài người trực tiếp chuẩn bị nội dung báo cáo của Chính phủ do Bộ GDĐT khởi thảo để trình Quốc hội khóa X ra Nghị quyết 88 năm 2014. Khi đó, do có ý kiến lo ngại: Nếu theo hướng xã hội hóa thì khó bắt các tổ chức và cá nhân biên soạn tất cả các môn học. Nghĩa là có một số môn học có thể không được biên soạn do yếu tố lợi nhuận trong kinh doanh và khó đáp ứng đúng tiến độ để kịp cho việc triển khai nghị quyết... Vì thế ban soạn thảo đề nghị:

“Để chủ động triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GDĐT tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa. Bộ SGK này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân biên soạn”.

Sau đó, do không lường hết được khó khăn về đội ngũ tác giả SGK, việc tổ chức bộ sách của Bộ không thành. Bộ GDĐT đã kịp thời chuyển sang chỉ đạo việc biên soạn SGK theo hướng xã hội hóa, không sử dụng ngân sách nhà nước (trả lại cho Ngân hàng thế giới khoản tiền vay 16 triệu USD để làm bộ sách của bộ).

Bộ cũng yêu cầu các đơn vị tham gia biên soạn SGK như Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Công ty cổ phần Đầu tư Xuất bản - Thiết bị Giáo dục Việt Nam (VEPIC) phải tổ chức biên soạn bộ SGK với đầy đủ các môn học và đúng tiến độ triển khai liên tục như Nghị quyết 88 đã đề ra.

Đồng thời chính Quốc hội cũng đã xem xét tình hình thực tế để có sự chỉ đạo, điều chỉnh bằng Nghị quyết số 122 ngày 19.6.2020 của Quốc hội khoá XIV: “Khi thực hiện biên soạn SGK theo phương thức xã hội hóa, nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất một SGK được thẩm định, phê duyệt theo quy định của Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 thì không triển khai biên soạn SGK sử dụng ngân sách nhà nước của môn học đó”.

Theo ông, đến thời điểm tại, sau hơn 3 năm triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, việc Bộ GDĐT biên soạn thêm 1 Bộ GDĐT có cần thiết nữa không?

- Như đã phân tích ở trên, đến thời điểm này, không có gì ảnh hưởng tới việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bộ GDĐT đã thực hiện đúng như Nghị quyết 122 của Quốc hội. Vì thế việc yêu cầu Bộ GDĐT tiếp tục biên soạn 1 bộ SGK là hoàn toàn không cần thiết, không khả thi và làm phức tạp thêm tình hình.

Thay vào đó, chúng tôi nghĩ, Bộ GDĐT nên tập trung xem xét, điều chỉnh và tổ chức tốt việc triển khai các bộ sách sao cho đúng hướng, đặc biệt cần chỉ đạo việc đổi mới cách dạy và đánh giá, thi cử trong những năm tới sao cho hợp lí và có hiệu quả.

Xin cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn