MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Những lớp học đặc biệt

H.VINH LDO | 17/11/2018 08:00
Việc dạy học cho những học sinh bình thường khó khăn bao nhiêu, thì đối với những học sinh khuyết tật lại càng trở nên vất vả gấp bội. Vẫn có những lớp học đặc biệt tồn tại với lòng đam mê của các thầy cô.
Tại Trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh (cơ sở 1, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) nơi có 9 giáo viên đang ngày đêm dạy học và dạy nghề cho hơn 40 trẻ em bị khuyết tật do mắc các di chứng nhiễm chất độc da cam dioxin.
Việc dạy học với những đứa trẻ đứa trẻ khiếm khuyết luôn khó khăn, và đặc biệt việc tiếp thu bài giảng hay học nghề luôn khó khăn hơn những người khác nên giáo viên của họ không chỉ cần chuyên môn giỏi mà còn cần có tâm và tình yêu thương.
Thầy Trương Tấn Dũng (SN 1982, trú quận Thanh Khê, Đà Nẵng) tâm sự: Thầy đã có thâm niên 10 năm dạy tại trung tâm này. Bản thân thầy bị bại liệt đôi chân và hai bàn tay bị yếu đi do cơn sốt lúc còn nhỏ.
Thầy Dũng bên nét vẽ của mình.
Thầy Dũng đang bày các em học sinh tập vẽ.
Ngoài công việc dạy vẽ, thầy Dũng còn là một kế toán tại trung tâm.
“Thấu hiểu, chia sẻ và yêu thương là những gì các thầy cô tại đây dành cho các em học sinh”, cô Mai Thị Ân (SN 1973) giáo viên dạy may cho các em tâm sự.
Cô Nguyễn Thị Ngọc Trang (SN 1987), tốt nghiệp ngành Sư phạm mầm non Đại học sư phạm Đà Nẵng, đã dạy tại trung tâm gần 10 năm nay.
“Đây là lớp học khá đặc biệt, lớp có đủ các trẻ em trong các độ tuổi và mắc các chứng bệnh do di chứng của chất độc da cam dioxin gây ra, nên việc giảng dạy và truyền kiến thức cho các em khá là vất vả. Phải nắm được tâm lý của từng em và thật sự yêu thương các em cũng như yêu thương nghề mới có thể truyền đạt  tốt nhất”, cô giáo Trang chia sẻ.
Cô Trang tâm sự, cô thương và chăm sóc những đứa trẻ như chính con, những đứa cháu của mình.
Cô Trang kể: “Mỗi người có một sự lựa chọn khác nhau, nếu ai cũng chọn con đường bằng phẳng thì không biết các em khuyết tật sẽ đi về đâu trong cuộc sống này”.
Thầy Nguyễn Ngọc Phương (SN 1981, bên trái) cho rằng, hoàn cảnh của các em học ở nơi đây giống với hoàn cảnh của thầy. Nhưng thầy vẫn may mắn hơn, còn tỉnh táo hơn so với các em. Chính vì thế, thày dạy tại nơi đây như là một sự sẻ chia, một niềm thương yêu với những số phận không được may mắn trong cuộc sống.
“Tôi xem các em nơi đây như là các em các cháu trong gia đình, cố gắng làm những điều tốt nhất cho các em, dạy cho các em có cái nghề ổn định để tạo ra những sản phẩm. Đấy chính là niềm vui của mình”, thầy Phương tâm sự.
Mỗi bước tiến nhỏ của các em là niềm hạnh phúc với những người làm nghề "trồng người".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn