MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Những lý do Bộ GDĐT không tách điểm môn thành phần trong bài tổ hợp

Đặng Chung LDO | 26/04/2020 09:00

Theo đại diện Bộ GDĐT, xuất phát từ yêu cầu, mục đích của kỳ thi tốt nghiệp THPT là đánh giá chất lượng theo chuẩn đầu ra hướng tới giáo dục toàn diện, nên không chấp nhận việc học lệnh, bỏ môn này hay môn khác.

Những ngày qua, tâm trạng chung của gần 1 triệu học sinh lớp 12 trên cả nước là lo lắng, cố gắng tập thích nghi với những thay đổi của kỳ thi THPT năm 2020.

Kỳ thi không chỉ được thay đổi tên, mà thay đổi cả mục tiêu khi kết quả dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT, chứ không phải mục tiêu “2 trong 1”, vừa xét tốt nghiệp vừa là căn cứ để trường đại học tuyển sinh như trước.

Những thay đổi này được đưa ra khi chỉ còn hơn 3 tháng nữa là kỳ thi được tổ chức, nó khiến học sinh bối rối, trường đại học cũng phải xoay xở điều chỉnh phương án để tuyển sinh.

Điều khiến cả học sinh và trường đại học đang lúng túng là điểm mới của kỳ thi năm nay, trong đó có việc không tách điểm các môn thành phần trong bài thi tổ hợp, mà sẽ quy về một đầu điểm duy nhất.

Nhiều thí sinh cho rằng điều này khiến các em bị thiệt thòi khi phải tăng cường học một số môn để xét tuyển theo khối, trong khi thời gian để ôn tập không còn nhiều. Thực tế là ngay từ đầu năm học lớp 12, học sinh đã chú trọng, học lệch những môn theo khối thi truyền thống, để phục vụ mục tiêu đỗ đại học.

Lý giải về việc năm nay Bộ GDĐT không tách điểm môn thành phần trong bài tổ hợp, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) cho rằng, xuất phát từ yêu cầu, mục đích của kỳ thi là đánh giá chất lượng theo chuẩn đầu ra của bậc phổ thông hiện nay hướng tới giáo dục toàn diện, cũng như khuyến khích phát triển năng khiếu của mỗi học sinh qua các môn học khác nhau. Vì mục tiêu đó nên chúng ta không chấp nhận bỏ môn này hay môn khác, vì như vậy sẽ không đạt mục tiêu giáo dục.

Những năm qua, Bộ GDĐT đặt ra nhiều hàng rào kỹ thuật, như đặt điểm liệt với các môn thi, cũng nhằm tạo động lực là nếu thí sinh muốn đạt được yêu cầu của chuẩn đầu ra thì ít nhất phải học một cách toàn diện, đạt được mức độ học vấn ở mức cơ bản. Việc thay đổi cách thi cũng nhằm định hướng cách dạy học. Bộ GDĐT không khuyến khích, thậm chí người học cần loại bỏ suy nghĩ học lệnh.

 Ông Mai Văn Trinh- Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng. Ảnh: Hải Nguyễn

Ông Trinh cũng khẳng định, tất cả các điểm của bài thi môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp KHTN (gồm 3 môn Vật lý, Hoá học, Sinh học) và bài thi KHXH (gồm các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) sẽ theo thang điểm 10. Mỗi thí sinh sẽ có 4 đầu điểm để xét tốt nghiệp cũng như xét tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Bài thi tổ hợp vẫn gồm các câu hỏi của bài thi thành phần như lâu nay. Trên cơ sở kiến thức cơ bản ấy, học sinh đi sâu vào những phân môn là năng lực sở trường của mình thì vẫn hoàn toàn có lợi. Với yêu cầu này các em phải học toàn diện để đảm bảo nền tảng và học sâu vào môn năng khiếu để có lựa chọn ngành nghề về sau.

Ông Mai Văn Trinh cho rằng, trước thay đổi của kỳ thi năm nay học sinh không nên quá lo lắng vì các em vẫn dự thi tại địa phương của mình.  Sắp tới, Bộ GDĐT sẽ công bố thêm đề minh hoạ cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 để học sinh, thầy cô có căn cứ hướng dẫn, ôn tập cho học sinh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn