MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trong khi học sinh ở thành phố có điểm thi môn tiếng Anh ở mức cao thì học sinh ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa có điểm thi ở mức thấp. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn

Những lý do khiến điểm thi môn tiếng Anh liên tiếp “đội sổ”

Bích Hà LDO | 30/08/2020 18:50
Bộ GDĐT vừa công bố điểm thi tốt nghiệp THPT 2020 đợt 1. Trong khi mặt bằng điểm thi nhiều môn được đánh giá là cao hơn năm trước, thì riêng tiếng Anh vẫn tiếp tục “đội sổ”,  với 472.000 bài thi có điểm dưới trung bình  - chiếm tỉ lệ hơn 63%.  
Phổ điểm môn tiếng Anh năm 2020. 

Điểm thi tiếng Anh có sự phân hóa giữa thành thị và nông thôn

Đây không phải năm đầu tiên môn tiếng Anh đứng cuối bảng, thực tế này đã diễn ra từ nhiều năm nay và vẫn chưa có dấu hiệu khả quan hơn.

Theo nhận định của tổ tiếng Anh của Hệ thống giáo dục HOCMAI, điểm thi môn Tiếng Anh năm 2020 vẫn chưa có sự bứt phá rõ rệt, minh chứng là số thí sinh đạt điểm dưới trung bình vẫn chiếm tỉ lệ lớn mặc dù đề thi được đánh giá giảm về độ khó so với năm 2019.

Đỉnh phổ điểm lệch về phía bên trái, sườn phải có sự dốc mạnh xuống mức điểm 4-7, cho thấy lượng thí sinh đạt điểm trung bình khá và khá tương đối nhiều, không có sự phân hóa rõ rệt với các thí sinh ở mức điểm này nhưng lại có sự phân hóa thí sinh khá, giỏi và xuất sắc.

Số điểm 9-10 của năm 2020 (1,65%) giảm so với năm 2019 (1,92%). Chứng tỏ mặc dù tổng quát mức độ đề dễ hơn so với năm 2019 nhưng vẫn có những câu hỏi để phân loại thí sinh. Do vậy, với mục tiêu phục vụ xét tốt nghiệp vẫn đạt được và các trường đại học – cao đẳng khi tuyển sinh cũng không quá khó khăn trong việc sử dụng điểm thi để sàng lọc đầu vào chất lượng.

So sánh điểm thi môn tiếng Anh 3 năm trở lại đây. Nguồn: HOCMAI

Cũng theo tổ tiếng Anh của Hệ thống giáo dục HOCMAI, điểm thi có sự phân hóa rõ rệt theo vùng miền, tỉnh thành. Ở thành phố lớn, phụ huynh và học sinh có xu hướng quan tâm Tiếng Anh hơn (kể cả không sử dụng để xét tuyển nhưng gia đình vẫn đầu tư cho con học Tiếng Anh vì biết được tầm quan trọng của nó).

Hơn nữa, điều kiện kinh tế, cơ sở vật chất, chất lượng giáo viên, trung tâm thường tập trung ở các thành phố đông hơn, mặt bằng thí sinh cũng nhỉnh hơn.  Ngược lại, ở các vùng nông thôn, nhiều thí sinh không quan tâm đến Tiếng Anh và chỉ học để chống điểm liệt, đủ để tốt nghiệp nên Tiếng Anh cũng không được coi trọng.

 Yếu từ vựng, quá chú trọng dạy học ngữ pháp

Nói về lý do điểm thi tiếng Anh thấp, cô Nguyễn Thị Mai Hương – giáo viên môn Tiếng Anh - Phó chủ nhiệm khối Song Ngữ - Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, có thể là do việc học ngoại ngữ của học sinh chưa hiệu quả, học sinh yếu ở kĩ năng đọc hiểu và từ vựng.

“Nếu học sinh không học từ vựng, ngại ghi nhớ điểm bài thi sẽ thấp. Vì cơ bản gần 70% số điểm của bài thi là nằm ở phần từ vựng và cấu trúc.

Hơn nữa từ vựng và cấu trúc không đủ sẽ ảnh hưởng đến khả năng làm các bài đọc hiểu của học sinh. Mà đọc hiểu có 3 bài, chiếm 30% tỉ trọng điểm chung của đề thi”- cô Hương phân tích.

Giải pháp cho vấn đề này, theo cô Hương, học sinh cần có biện pháp và thói quen học từ vựng, cụm từ và nâng cao kĩ năng học từ, dùng từ trong văn cảnh.

Học sinh có thể học online bằng cách nghe các bài Tiếng Anh, tin tức hoặc đoạn nói trên youtube đơn giản để hiểu, ghi lại từ vựng mới để nâng cao vốn từ và dùng từ trong văn cảnh.

Ngoài ra, học sinh nên làm thêm các sách luyện về đọc hiểu để vừa nâng cao kĩ năng vừa củng cố mở rộng vốn từ khi làm các bài đọc hiểu đó. Các sách tham khảo có thể là bộ luyện đọc Toefl junior, Reading Advantage, Reading Challenge hoặc IELTS reading…

Bên cạnh đó, học sinh cần cải thiện kĩ năng nghe nói để có phản xạ tốt trong học tiếng Anh, từ đó có động cơ và thói quen học một cách tự nhiên, chứ không đơn thuần là chỉ học ngữ pháp - một thói quen dạy và học của cả giáo viên và học sinh khi học tiếng Anh là tập trung dạy phần này quá nhiều.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn