MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những mong mỏi giản dị của giáo viên trước thềm 20.11. Ảnh: Vân Trang

Những mong muốn giản dị của giáo viên trước thềm 20.11

TRÀ MY LDO | 18/11/2023 07:00

Nỗ lực mang kiến thức đến với học sinh, cơ sở vật chất khang trang, đồng lương được cải thiện là một trong số những trăn trở của các giáo viên trước thềm ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11.

Mong muốn được cống hiến nhiều hơn

Gần 10 năm gắn bó với nghề giáo, niềm vui, niềm hạnh phúc lớn nhất của thầy Bnướch Zói - giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú (PTDTBT) Tiểu học và THCS xã Dang (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) - là được thấy những nụ cười nở trên môi của học trò.

"Mỗi ngày đến trường, được gặp gỡ và nhìn thấy sự thích thú, vui vẻ tham gia học tập, hoạt động phong trào của các em là tôi hạnh phúc lắm rồi" - thầy Bnướch Zói bày tỏ.

Trong suốt quá trình làm nghề, thầy giáo này nhận được vô số giấy khen nhưng đây không phải là mục tiêu lớn nhất thầy Bnướch Zói đặt ra.

"Giấy khen là thành tích ghi nhận những đóng góp trong quá trình công tác. Nhưng đó là động lực để bản thân tiếp tục phấn đấu và cống hiến cho quê hương. Bản thân tôi luôn xác định tất cả vì học sinh thân yêu. Điều mong muốn nhất được cống hiến nhiều hơn nữa, để học trò ngày càng ngoan ngoãn và học tập tiến bộ" - thầy Bnướch Zói cho biết.

Cơ sở vật chất khang trang

Cô Vương Ngọc Hiệp - giáo viên Trường Tiểu học xã Lâm Ca (tỉnh Lạng Sơn) - được phân công từ miền xuôi lên vùng cao dạy học.

Đến công tác tại vùng miền núi, cô Hiệp luôn hi vọng bản thân sẽ mang tới cho các em học sinh thêm nhiều kiến thức để không bị đói, nghèo.

"Học sinh vùng núi còn có nhiều khó khăn. Bản thân tôi khi dạy cũng chỉ muốn các em có thêm nhiều tri thức mới, đáp ứng được chương trình giáo dục phổ thông 2018, là hành trang để các em tự tin hơn, đóng góp vào sự phát triển của xã hội" - cô Hiệp nói.

Trước thềm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11, khi được hỏi về điều mong mỏi lớn nhất hiện nay, cô Hiệp hi vọng, trong thời gian tới, nhà trường được đầu tư về cơ sở vật chất, có thêm chỗ ở cho giáo viên, học sinh ở xa đi lại bớt vất vả.

"Cơ sở vật chất khang trang, cải thiện hơn sẽ tạo điều kiện để học sinh vùng cao phát triển hơn. Trong tương lai, tôi vẫn sẽ tiếp tục gắn bó với học sinh nơi đây để góp phần nhỏ bé vào sự nghiệp trồng người" - cô Hiệp bày tỏ.

Giáo viên sống được bằng lương

Có thể thấy, giáo viên trên cả nước đều có chung mong ước đồng lương được cải thiện để thầy cô có thể "sống được bằng lương".

Theo quan sát của cô Nguyễn Thị Thoa - giáo viên Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (tỉnh Hải Dương), hiện nay, đã có nhiều chính sách ưu đãi, quan tâm đến nhà giáo. Song mức tăng vẫn chưa thể đảm bảo để thầy cô sống bằng nghề.

"Hiện nay, mức lương của một giáo viên trường công như tôi giảng dạy về cơ bản là ổn định. Tuy nhiên, đối với các thầy cô khác thì mức sống và nhu cầu chưa đáp ứng nếu với mức lương đó" - cô Thoa bộc bạch.

Do đó, cô Thoa mong muốn, việc cải cách tiền lương sẽ mau chóng được thực hiện để giúp cho các thầy cô có thể yên tâm công tác.

Là giáo viên trẻ mới ra trường, cô Phạm Thị Hiền - giáo viên Trường Tiểu học Kỳ Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) - mong muốn, trong thời gian tới, mức lương của giáo viên sẽ được tăng.

"Giáo viên có rất nhiều công việc và trách nhiệm cao. Bản thân tôi mong muốn đồng lương của giáo viên sẽ được trả tương xứng với công sức và những đóng góp của họ" - cô Hiền chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn