MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Những ngành nghề phù hợp nhất với "dân khối C"

Phùng Nhung LDO | 16/04/2023 12:42

Thí sinh xét tuyển đại học khối C (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý) có thể cân nhắc theo đuổi các ngành nghề như: Báo chí, Truyền thông, Sư phạm, Tâm lý học…

Dành lời khuyên cho thí sinh, cô Vũ Thuý Bình – Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền - chia sẻ, các ngành nghề liên quan tới khối Khoa học xã hội nói chung và khối C rất rộng, để tạo ra nhiều cơ hội việc làm trong tương lai, thí sinh phải xác định được năng lực của chính bản thân.

Trước hết, phải hiểu sâu về ngành nghề và biết được điểm mạnh của mình.

Nếu các em có tính cách năng động, sáng tạo có thể theo học những ngành như Báo chí, Truyền thông, Sư phạm, Du Lịch, các ngành nghề liên quan đến dịch vụ...

Nếu là người có tính cách kiên nhẫn, lắng nghe, phân tích tỉ mỉ và yêu thích các vấn đề học thuật có thể lựa chọn các ngành Xã hội học, Triết học, Chính trị học…

"Quan trọng nhất là biết mình là ai, năng lực ở đâu, từ đó cố gắng. Bên cạnh đó, cần tìm hiểu về xu hướng các ngành nghề, nhu cầu của thị trường lao động ở Việt Nam và trên thế giới.

Đích đến của việc học là có công việc tốt, tạo ra thu nhập cho bản thân và tạo ra giá trị cho xã hội.

Nếu lựa chọn sai sẽ dẫn đến tốn thời gian, công sức tiền bạc của người học và gia đình" - cô Bình nói.

Thi đại học khối C nên chọn ngành nghề nào? Ảnh: Trang Hà

Vị giảng viên cũng cho biết, hiện nay, số lượng sinh viên có thành tích tốt ở đại học rất cao nhưng tỉ lệ người ra trường có việc làm đúng với ngành đào tạo lại thấp.

Chính vì vậy, các trường đại học luôn nỗ lực mở rộng chương trình giảng dạy để sinh viên không chỉ giỏi chuyên ngành mà có thêm kiến thức ở các lĩnh vực khác, tạo ra nhiều cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.

“Ví dụ các em học ngành Báo chí sẽ được tham gia những lớp nghiệp vụ, các chuyên đề về lý luận hoặc chương trình song bằng như vậy các em tăng sự hiểu biết, có nhiều lựa chọn nghề nghiệp hơn so với việc đào tạo chuyên sâu về một ngành.

Để làm được điều đó, ngoài năng lực học tập của sinh viên, phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như: chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, cán bộ giảng dạy truyền cho sinh viên tình yêu nghề, sự say mê, định hướng nghề... giúp sinh viên phát triển” - cô Bình nói.

Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng nhấn mạnh, mỗi người phải có chất riêng để thích ứng với nghề nghiệp.

Lựa chọn khối khoa học xã hội các em cần trang bị thêm kiến thức về ngoại ngữ, công nghệ thông tin. Điều này tạo nền tảng vững vàng, thuận lợi để tìm kiếm, thậm chí có quyền lựa chọn công việc tốt nhất cho bản thân mình. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn