MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thu nhập cao, sinh viên chọn ở lại làm thêm dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2024. Ảnh: Phạm Hồng

Những sinh viên sẵn sàng làm xuyên Tết, hưởng lương gấp 3 lần

Tuyết Anh LDO | 07/02/2024 08:47

Với mức lương nhân đôi, nhân ba so với ngày thường, nhiều sinh viên chấp nhận ở lại thành phố lớn làm thêm xuyên Tết thay vì về quê sum họp cùng gia đình.

Lương cao gấp 3 ngày thường

Những ngày cuối năm, hầu hết các con đường, ngõ nhỏ đều mang không khí Tết, chờ đón những người con xa quê trở về. Nhưng nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đành chấp nhận bỏ qua không khí ấy, ở lại thành phố làm thêm kiếm tiền trang trải cuộc sống sau Tết.

Hoàng Vân Anh - quê Hà Giang, hiện là sinh viên năm 3, Trường Đại học Xây dựng - quyết định ở lại Hà Nội làm phục vụ cho một quán cà phê tại quận Đống Đa trong dịp Tết Nguyên đán năm nay.

“Vì gia đình không có điều kiện dư giả như những bạn khác, nên em quyết định xin bố mẹ ở lại Hà Nội làm thêm xuyên Tết để có tiền trang trải học phí và tiền sinh hoạt cho học kỳ mới.

So với ngày thường, mức lương trong ngày Tết em nhận về cao gấp 3 lần, bắt đầu tính từ đêm giao thừa cho đến hết ngày mồng 5. Trung bình một ngày em làm 7 tiếng” - Vân Anh cho hay.

Nhiều sinh viên lựa chọn đi làm thêm xuyên Tết thay vì về quê cùng gia đình. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đối với Vân Anh, việc không được về quê trong dịp Tết có một chút buồn và thất vọng, nhưng nếu được chọn lại, em vẫn chấp nhận ở lại Hà Nội trong những ngày này.

“Vì trường em quay trở lại học khá muộn, sau khi kết thúc làm thêm dịp Tết, em vẫn có thời gian quay trở về nhà chơi cùng bố mẹ. Thời điểm đó, chi phí đi lại cũng bớt tốn kém hơn, giúp em tiết kiệm thêm một khoản tiền nữa” - nữ sinh nói.

Tết năm nay, Nguyễn Hoàng Minh - sinh viên năm nhất, Trường Đại học Luật TPHCM - cũng chọn ở lại làm xuyên Tết, thay vì về quê ở Hà Tĩnh. Chia sẻ về lí do đưa ra quyết định này, Hoàng Minh tâm sự, do chi phí đi lại quá tốn kém và bố mẹ đều đi xuất khẩu lao động, không có người đón Tết cùng.

“Quê em ở xa, vé xe đi lại khá đắt, trong khi kinh tế gia đình đang khó khăn và bố mẹ đều đi xuất khẩu lao động, không có người thân đón Tết cùng, nên em quyết định ở lại TPHCM làm thêm.

Hiện em đang làm nhân viên giao hàng, trung bình một ngày em làm được 400 nghìn đồng và tối đến thì nhận thêm các đơn thiết kế, mỗi đơn như thế được trả từ 1,3 - 1,5 triệu đồng” - Hoàng Minh cho biết.

Cẩn trọng hơn với thông tin tuyển dụng

Hoàng Minh chia sẻ, thời điểm cận Tết, em đọc được rất nhiều tin tuyển dụng trên các hội nhóm, công việc xuyên Tết, thu nhập cao gấp 3 - 4 lần. Song, em khá dè chừng trước những thông tin đó.

“Em đã phải tìm hiểu rất kỹ vì sợ lừa đảo và công việc đó quá vất vả, không đảm bảo được sức khỏe để đến trường sau Tết” - nam sinh chia sẻ.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính - khi tìm kiếm việc làm trên các trang mạng xã hội, sinh viên nên tìm hiểu thật kỹ về cơ sở tuyển dụng, có thể đến trực tiếp đơn vị đó để xác minh thông tin, tránh lừa đảo.

“Sinh viên cần phải tìm hiểu thật kỹ về đơn vị tuyển dụng, đối với những thông tin tuyển dụng không rõ ràng, tốt nhất là nên bỏ qua. Các em có thể tìm kiếm công việc tại nơi đã từng làm hoặc được bạn bè, người quen giới thiệu. Vì có không ít trường hợp, sinh viên chấp nhận xa gia đình vào dịp Tết để đi làm thêm nhưng sau đó lại không được đơn vị tuyển dụng trả tiền công” - PGS.TS Đinh đưa ra lưu ý tìm việc đối với sinh viên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn