MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh sẽ được học tích hợp mon Lịch sử và Địa lý. Ảnh minh họa: Nguồn Infonet

Những thay đổi lớn nhất về các môn trong Chương trình giáo dục phổ thông mới

Đặng Chung LDO | 20/01/2018 11:00
Lần đầu tiên sẽ xuất hiện một số môn học và hoạt động giáo dục mới, nhiều môn học được thiết kế lại theo hướng tích hợp liên môn ở cấp thấp và phân hóa ở các bậc học cao hơn; học âm nhạc từ cấp ba, Tin học trở thành môn quan trọng, Ngữ văn chỉ còn 6 tác phẩm bắt buộc… là những thay đổi trong chương trình mới.

Nhiều môn học mới, lần đầu tích hợp Lịch sử và Địa lý

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình GDPT, chương trình mới có 20 môn/hoạt động giáo dục. Trong đó, có những môn học bắt buộc xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12 như tiếng Việt/ngữ văn, Toán, Giáo dục công dân, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp....

Mục tiêu của chương trình là đổi mới căn bản toàn diện, kết hợp việc dạy làm người và định hướng nghề nghiệp, góp phần chuyển biến từ truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất năng lực người học. Chương trình GDPT phổ thông mới đáp ứng được yêu cầu và xây dựng theo hướng phát triển Kinh tế Xã hội từng địa phương.

Chương trình GDPT mới có các đặc điểm: Đầu tiên, các chương trình môn học có nội dung gắn với mỗi cấp học và những yêu cầu cần đạt cụ thể. Thứ hai, Chương trình tập trung phát triển năng lực học sinh.

Tiếp theo chương trình mới thực hiện tích hợp các môn và liên môn. Một số môn học tích hợp mới như: Lịch sử và địa lý (cấp THCS), khoa học (cấp tiểu học), khoa học tự nhiên (THCS), giáo dục kinh tế và pháp luật; một số môn học/hoạt động giáo dục lần đầu tiên được đưa vào chương trình dưới hình thức bắt buộc là hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, tin học; hay môn học tự chọn ở cấp THPT như môn nghệ thuật. Môn Âm nhạc lần đầu tiên được dạy ở cấp THPT.

Đặc biệt, Lịch sử và Địa lý là môn học hoàn toàn mới so với chương trình hiện hành. Đây sẽ là môn học tích hợp ở cấp tiểu học (lớp 4-5) và THCS, nhằm tạo tiền đề phân hóa cho hai môn học độc lập ở cấp THPT.

Trước lo ngại về yếu tố dạy tích hợp, GS-TS Phạm Hồng Tung -Tổng Chủ biên chương trình môn Lịch sử - cho hay, các phương thức tích hợp sẽ tùy theo yêu cầu của nội dung chuyên môn và tâm lý lứa tuổi. Điều quan trọng là giáo viên cần tăng cường hướng dẫn học sinh vận dụng kiến thức ấy đi vào lĩnh vực nghề nghiệp sau này của mình thế nào.

Hoạt động trải nghiệm bắt buộc từ lớp 1 đến hết lớp 12

Hoạt động trải nghiệm trong chương trình phổ thông mới không phải là một môn học mà là hoạt động giáo dục được thực hiện bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12.

Về hoạt động này, có nhiều ý kiến băn khoăn liệu có phát sinh thêm kinh phí, tổ chức giảng dạy ở trường sao cho hiệu quả?

Chia sẻ về vấn đề này, GS.TS Đinh Thị Kim Thoa – Chủ biên chương trình Hoạt động trải nghiệm - khẳng định: “Việc tổ chức chương trình gồm rất nhiều hình thức, tổ chức trong hoặc ngoài lớp học, học sinh được trải nghiệm để hình thành năng lực, phẩm chất của riêng mình. Với các hoạt động mang tính xã hội, nếu tổ chức có quy mô, có sự chuẩn bị thì thậm chí học sinh có thể tự tạo ra kinh phí, chứ không làm phát sinh thêm kinh phí.

Giáo dục giới tính từ lớp 1

Theo PGS-TS Mai Sỹ Tuấn - Chủ biên chương trình môn Khoa học tự nhiên- nội dung giáo dục giới tính sẽ được lồng ghép trong môn Tự nhiên xã hội, Khoa học tự nhiên. Những kiến thức giới tính sẽ được đưa vào từ lớp 1,  là kiến thức rất cơ bản, nhẹ nhàng, nhằm giúp học sinh phân biệt được giới, ý nghĩa, tầm quan trọng của giới.

Chú trọng giảm tải

GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng chương trình hiện hành được xác định là năng nề là do chương trình và SGK có quá nhiều kiến thức hàn lâm, cách dạy áp đặt một chiều. Vì vậy, để giảm tải cho học sinh, cần thay đổi đồng bộ tất cả những điều này. Chương trình mới nhấn mạnh phát triển năng lực thì phải trả lời câu hỏi: Học sinh học xong để làm gì, chứ không phải là học được gì?

 GS Nguyễn Minh Thuyết. Ảnh: Hiếu Nguyễn

Vì mục tiêu đó, theo GS Nguyễn Minh Thuyết, chương trình các môn học đều được xây dựng theo hướng mở, chú trọng yếu tố thực hành,  giảm kiến thức hàn lâm, để học sinh không quá áp lực trong việc học tập.

Theo đó, Ngữ văn chỉ còn 6 tác phẩm bắt buộc. Ngoài ra, giáo viên và học sinh sẽ tự lựa chọn các tác phẩm giảng dạy trong nhà trường.  Môn Toán có tới 21% tổng thời lượng chương trình phổ thông dành cho nội dung ứng dụng. Các dạng bài tập lắt léo, phục vụ thi cử sẽ bị loại bỏ.

Môn Lịch sử sẽ chủ yếu dạy thông qua những câu chuyện có chủ đề gần gũi, giúp học sinh vận dụng kiến thức vào cuộc sống.

Các môn khoa học tự nhiên sẽ được thiết kế theo hướng ứng dụng, gắn với thực tiễn cuộc sống và bám sát bản chất môn học. Môn Đạo đức, Giáo dục công dân cũng được điều chỉnh. Học sinh sẽ được dạy cách tiêu tiền, tuân thủ pháp luật.

Sẽ thay đổi cách kiểm tra, đánh giá

GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, theo tiến độ sẽ dành 2 tháng lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo chương trình môn học của giáo dục phổ thông mới. Dự kiến đến tháng 4 năm nay có thể ban hành chương trình môn học.

Trước ý kiến cho rằng khi thực hiện chương trình mới cũng cần phải thực hiện đổi mới cách kiểm tra, đánh giá, nhất là phương thức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, GS Nguyễn Minh Thuyết khẳng định: Từ nay đến năm 2020 sẽ ổn định phương thức thi THPT quốc gia, sau năm 2020 trở đi khi bắt đầu triển khai chương trình mới phương thức tuyển sinh cũng phải thay đổi.

Việc dạy và học theo hướng phát triển năng lực học sinh thì việc kiểm tra đánh giá kết quả học tập cũng được chuyển đổi theo hướng chú trọng khả năng vận dụng sáng tạo tri thức trong những tình huống ứng dụng, không lấy việc kiểm tra khả năng tái hiện kiến thức lịch sử làm trung tâm của việc đánh giá.

Với nhiều thay đổi lớn này, những người soạn thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới kỳ vọng việc học thuộc lòng, quá nhiều kiến thức hàn lâm, sẽ không còn là nỗi ám ảnh với các thế hệ học trò. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn