MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dù còn nhiều khó khăn nhưng các thầy giáo vẫn kiên trì bám trường, bám lớp gieo chữ cho các thế hệ học sinh "nơi cùng trời" Yên Bái. Ảnh: Văn Đức.

Những thầy giáo “nơi cùng trời” Tây Bắc

Văn Đức LDO | 19/11/2021 08:01

Yên Bái - Nằm cách xa trung tâm huyện gần 60 km, không chỉ giao thông đi lại khó khăn, nơi đây không có điện lưới quốc gia, không có sóng điện thoại. Nhưng 6 thầy giáo tại điểm trường PTDT BT TH&THCS xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải vẫn kiên trì bám bản để gieo chữ cho con em đồng bào dân tộc Mông nơi đây.

Điểm trường khó khăn nhất của tỉnh Yên Bái

Nằm dưới chân núi cao, giữa những cánh rừng già sâu trong núi của xã Chế Tạo là điểm trường Kể Cả - nơi ăn ở và học tập của 104 học sinh dân tộc Mông của 3 bản Kể Cả, Háng Tày và Pú Vá.

Để đến được đây, người dân phải đi từ trung tâm xã xuyên qua các dãy núi cao hơn 20km đầy khó khăn, hiểm trở. Những đoạn cua tay áo, khúc khuỷu, đường nhỏ chỉ vừa xe máy để đến được điểm trường này.

Mặc dù nằm khá biệt lập, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, các phòng học, phòng ở vẫn chủ yếu là nhà gỗ, nhà lắp ghép được làm từ nhiều năm nay đã xuống cấp nhưng hàng ngày, các phòng học dù sáng sớm hay tối muộn đều vang vọng những tiếng đọc chữ của các em học sinh nơi đây.

Không kể sớm tối, các em học sinh chủ động học chữ để chuẩn bị cho các buổi học ngày hôm sau.

Trao đổi với PV, thầy giáo Giàng A Giống tâm sự: “Là người sinh ra và lớn lên tại đây, cũng đã từng được học những chữ cái đầu tiên tại điểm trường này. Bản thân thấu hiểu những thiệt thòi mà những học sinh nơi đây”.

Sau khi ra trường, thầy Giống đã tự nguyện viết đơn xin về điểm trường với mong muốn con em trong bản có được con chữ, phát triển thành tài, làm giàu cho quê hương. Thấm thoát, thầy Giống đã gắn bó với nơi đây hơn 10 năm. Dù đủ thâm niên để được luân chuyển nhưng thầy vẫn quyết tâm ở lại bám bán, bám trường.

Cũng có các thầy giáo, dù công tác tại xã thuận lợi hơn. Nhưng khi được điều động, bố trí đến đây công tác vẫn không ngần ngại, đắn đo, rời xa gia đình người thân để mang con chữ đến với con em đồng bào.

Những nụ cười hồn nhiên, thư giãn của các em giúp cho những thầy giáo có thêm động lực bám trường, bám lớp.

Trao đổi với PV, thầy giáo Đinh Huy Dũng chia sẻ: “Từ khi được điều động, đến nay đã hơn 3 năm gắn bó với ngôi trường này. Thời gian đầu cũng nhớ nhà, nhớ vợ con, gia đình. Nhưng bản thân luôn tự nhắc nhở, các thầy nơi đây đều gắn bó và cống hiến với mái trường này không hề nao núng thì bản thân cũng cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Thầy Dũng cho hay, nhìn con em lớn lên, nuôi nấng, chăm sóc các con ăn, ngủ hàng ngày giúp cho bản thân nguôi nỗi nhớ nhà.

Thầy giáo như mẹ hiền

Điểm trường Kể Cả được thành lập từ năm tháng 9.1996 theo thời gian đã có hàng trăm lượt giáo viên đến công tác, cống hiến và luân chuyển đến nơi khác.

Với đặc thù là điểm trường khó khăn về giao thông, thiếu thốn về cơ sở vật chất và không có điện lưới quốc gia, không có sóng điện thoại nên hầu hết những giáo viên được cử đến đây công tác đều là các thầy giáo.

Dù còn nhỏ, sống xa gia đình nhưng các em chủ động trong giờ giấc, ăn uống và tự rửa chén, bát.

Đối với nhiều người thì quãng thời gian được làm việc tại điểm trường Kể Cả là quãng thời gian vui có, buồn có. Với đặc thù là học sinh tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3 còn khá nhỏ lại ăn ở và học tập tại trường, do vậy để dạy bảo cho các em nề nếp sinh hoạt, ăn ở vệ sinh, các thầy giáo luôn phải kiên trì như những người mẹ.

Những hy sinh thầm lặng của những người thầy nơi điểm trường Kể Cả đã được minh chứng thể hiện qua chất lượng giáo dục không ngừng được nâng lên.

Từ chỗ những học sinh ở điểm trường này chủ yếu là học sinh trung bình, yếu trong học lực thì đến nay số học sinh đạt loại khá trở lên chiếm gần 30%, tỷ lệ chuyên cần luôn đạt từ 98 đến 100%, tỷ lệ học sinh bỏ học không còn.

Bên cạnh đó có nhiều thế hệ học sinh thành đạt, trưởng thành, có cuộc sống ổn định và đang làm việc, cống hiến trên mọi miền đất nước.

Xong hết mọi công việc trong ngày, các thầy giáo lại phi xe máy lên đỉnh núi để bắt sóng điện thoại gọi về cho gia đình, người thân.

Trao đổi với PV, thầy giáo Phạm Tiến Quảng - Hiệu trưởng trường PTDT BT TH&THCS xã Chế Tạo cho biết: “Các thầy giáo đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu, kiên trì bám trường để gieo chữ cho con em ở các bản".

Thầy Quảng chia sẻ, nhà trường thường xuyên động viên các thầy cố gắng vì sự nghiệp trồng người, vì tương lai của con em trong bản. Phấn đấu đưa sự nghiệp giáo dục của địa phương ngày một phát triển hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn