MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một tiết học tại phòng học thông minh của các em học sinh Trường Tiểu học Yên Thái, huyện Yên Mô, Ninh Bình. Ảnh: Diệu Anh

Ninh Bình: Chuyển đổi số giúp học sinh phát huy khả năng tư duy, sáng tạo

DIỆU ANH LDO | 04/12/2022 09:51

Với việc đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy, ngành GDĐT tỉnh Ninh Bình đã góp phần thay đổi phương pháp giảng dạy, học tập từ truyền thống sang giảng dạy tích cực, giúp người học phát huy được khả năng tư duy, sáng tạo.

Theo thống kê của ngành GDĐT tỉnh Ninh Bình, hiện 100% trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã sử dụng nền tảng số để chuyển đổi số; 100% các cơ quan quản lý giáo dục, trường Tiểu học, THCS, THPT, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên đã triển khai công tác dạy, học trực tuyến. Ứng dụng công nghệ số để giao bài tập về nhà và kiểm tra sự chuẩn bị của học sinh trước khi đến lớp học. Bên cạnh đó, trên 90% cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã có hệ thống mạng wifi giúp cho công chức, viên chức, người lao động, học sinh sử dụng thuận tiện.

Ông Đinh Văn Khâm, Phó giám đốc Sở GDĐT tỉnh Ninh Bình cho biết, hiện nay, toàn tỉnh Ninh Bình có 477 cơ sở giáo dục Mầm non, THCS và THPT. Theo ông Khâm, việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy và học tập là yêu cầu tất yếu, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội, giúp ngành giáo dục có công cụ hiện đại để đổi mới giáo dục, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Đồng thời, tạo môi trường giáo dục ổn định, năng động, linh hoạt, đặc biệt hiệu quả trong việc đối phó với thiên tai, dịch bệnh và những nguy cơ thay đổi khó lường. 

Có mặt tại Trường Tiểu học Yên Thái (huyện Yên Mô, Ninh Bình) theo quan sát của PV Lao Động, tại Phòng học thông minh do Sở GDĐT tỉnh Ninh Bình trang bị, thay vì là bảng đen, phấn trắng như cách học truyền thống, thì các em được sử dụng máy tính bảng, robot, bảng nhóm, các thiết bị, mô hình. 

"Do mới làm quen với các thiết bị hiện đại nên cả giáo viên và học sinh vẫn còn nhiều bỡ ngỡ, tuy vậy giáo viên và học sinh chúng tôi ở đây đều rất hào hứng với phương pháp dạy và học này" - cô giáo Trương Thị Mai, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Thái chia sẻ.

Theo ông Đinh Văn Khâm, Phó giám đốc Sở GDĐT tỉnh Ninh Bình, tại các trường, giáo viên thường xuyên sử dụng công cụ dạy học hiện đại để giảng dạy thông qua các bài giảng điện tử làm tăng tính tương tác và hiệu quả bài dạy. Các cơ quan quản lý, các trường học, cán bộ, giáo viên, học sinh tích cực sử dụng hệ thống các phần mềm đa dạng, như: phần mềm hỗ trợ giảng dạy, học tập, các phần mềm thi và đánh giá trực tuyến, quản lý kế toán, thư viện, học sinh, tuyển sinh… phục vụ đắc lực cho mọi hoạt động của ngành.

Để đẩy mạnh chuyển đổi số, tháng 7.2021, Sở GDĐT tỉnh Ninh Bình đã ban hành văn bản về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong toàn ngành đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, phấn đấu đạt được các mục tiêu chính như: Thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số toàn ngành, làm cơ sở thực hiện mục tiêu đổi mới phương thức dạy và học, quản lý giáo dục và quản trị nhà trường, góp phần tạo chuyển biến rõ nét về chất lượng và hiệu quả của hệ thống giáo dục toàn tỉnh Ninh Bình; hình thành nền tảng số cho xã hội học tập, tạo cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng tốt với chi phí thấp...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn