MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngành giáo dục tỉnh Ninh Bình đang nỗ lực để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên trước thềm năm học mới. Ảnh: Nguyễn Trường

Ninh Bình khắc phục thiếu giáo viên trước thềm năm học mới

NGUYỄN TRƯỜNG LDO | 08/08/2024 06:56

Năm học 2024 - 2025 tỉnh Ninh Bình sẽ tăng thêm 138 lớp học, ngành giáo dục tỉnh này đang nỗ lực để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên trước thềm năm học mới.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Ninh Bình, hiện nay, do việc tăng số lớp, số học sinh nên số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh đang bị thiếu so với định mức quy định tại các Thông tư hướng dẫn của Bộ, ngành.

Dự kiến năm học 2024 - 2025 toàn tỉnh Ninh Bình sẽ tăng thêm 138 lớp học, trong đó, bậc mầm non tăng 65 lớp, bậc tiểu học tăng 63 lớp, bậc THPT tăng 10 lớp. Trong khi đó, tổng số viên chức, lao động hợp đồng trong ngành giáo dục tại Ninh Bình, tính đến ngày 31.5.2024 là 14.038 người và hiện đang thiếu 2.599 người, trong đó có 1.111 biên chế giáo viên.

Việc thiếu giáo viên khiến các cơ sở giáo dục gặp khó khăn khi phân công chuyên môn giảng dạy cho giáo viên. Một bộ phận nhà giáo phải giảng dạy nhiều, vượt số giờ định mức quy định. Một số cơ sở giáo dục không hợp đồng được giáo viên phải bố trí giáo viên dạy liên trường khó khăn cho công tác quản lý, bố trí thời khóa biểu dạy học, vất vả cho giáo viên.

Ông Đinh Văn Khâm - Phó giám đốc Sở GDĐT tỉnh Ninh Bình cho biết, để khắc phục khó khăn thiếu giáo viên, tỉnh Ninh Bình đã và đang triển khai thực hiện một số giải pháp như, các địa phương tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục chưa đủ biên chế thực hiện hợp đồng giáo viên giảng dạy để đảm bảo hoạt động của nhà trường.

Trường hợp không có giáo viên hợp đồng, Phòng GDĐT các huyện, thành phố thực hiện điều động bố trí giáo viên dạy liên trường ở các địa bàn gần, phù hợp với tình hình thực tế đội ngũ, đảm bảo có giáo viên dạy đủ các môn học theo quy định.

"Sở GDĐT tỉnh Ninh Bình đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố để rà soát lại đội ngũ, số lượng người làm việc được giao, số lượng người làm việc chưa sử dụng, bố trí biên chế tuyển dụng giáo viên đảm bảo đủ theo cơ cấu từng môn học, trong đó ưu tiên tuyển dụng giáo viên môn thiếu, môn học mới" - ông Khâm cho hay.

Cũng theo ông Khâm, Sở GDĐT tỉnh Ninh Bình đang phối hợp với UBND các huyện, thành phố, tiến hành rà soát, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập. Theo đó, sẽ từng bước sắp xếp, sáp nhập các trường có quy mô nhỏ một cách phù hợp để giảm cán bộ quản lý và nhân viên, tăng vị trí việc làm là giáo viên trực tiếp giảng dạy, thuận lợi cho bố trí giáo viên theo cơ cấu bộ môn hạn chế việc thiếu giáo viên cục bộ ở các trường.

"Hiện nay, một số trường có quy mô nhỏ nhưng vẫn phải đảm bảo đội ngũ cán bộ quản lý, các vị trí nhân viên, việc bố trí đủ cơ cấu giáo viên rất khó, vì có những môn 1 người thì thiếu mà 2 người thì thừa" - ông Khâm chia sẻ.

Bên cạnh đó, Sở GDĐT tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục thực hiện tốt các chế độ, chính sách theo quy định đối với nhà giáo, thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng, động viên, khích lệ kịp thời nhà giáo theo quy định. Đồng thời, phối hợp với UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch tuyển dụng bổ sung giáo viên từ các chỉ tiêu chưa sử dụng và chỉ tiêu được bổ sung theo Quyết định 72 của Bộ Chính trị (là 462 chỉ tiêu).

Bên cạnh đó, cần tạo cơ chế, chính sách thuận lợi cho các nhà đầu tư phát triển hệ thống các trường tư thục trên địa bàn tỉnh Ninh Bình để giảm áp lực cho các trường công lập về trường lớp, giáo viên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn