MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cán bộ y tế học đường đang công tác tại một trường mầm non trên địa bàn TP Cần Thơ. Ảnh: Phong Linh

Nỗi bất lực, sẵn sàng từ bỏ của nhân viên y tế học đường

Hà Quyên LDO | 12/12/2023 15:59

Thông tư 19 và 20 mới đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo có tác động trực tiếp tới đội ngũ nhân viên y tế học đường, bởi sắp tới họ không thuộc nhóm vị trí việc làm được định biên trong cơ sở giáo dục mà thuộc nhóm hỗ trợ, phục vụ.

Cần rõ ràng

Chia sẻ cùng Báo Lao Động, chị Trần Tuyết Chinh (36 tuổi), nhân viên y tế học đường, Trường Tiểu học Thành Công A (Ba Đình, Hà Nội) cho hay, dù sự thay đổi này khiến chị và các đồng nghiệp khác buồn nhưng điều chị quan tâm hơn cả là khi thay đổi vị trí việc làm, liệu đời sống của nhân viên có được đảm bảo.

“Quan điểm của tôi là làm gì thì làm cũng phải rõ ràng. Một là đưa về nhân viên cũng phải đảm bảo mức sống. Hai là nếu không đảm bảo được, chẳng hạn cắt hợp đồng, đưa về vị trí mà cơ quan không đảm nhận được hoặc cơ quan không có nguồn kinh phí cũng phải nói rõ để nhân viên y tế học đường còn có hướng khác, tìm công việc và thu nhập khác để đảm bảo cuộc sống” – chị Chinh bày tỏ.

Chị Chinh là nhân viên y tế học đường biên chế 11 năm nay. Mức lương hiện tại của chị là 4,5 triệu đồng, cộng thêm thu nhập tăng thêm được hơn 1 triệu gồm phụ cấp độc hại, trực bán trú và trực ca buổi chiều. Mức lương 6 triệu đồng ở thành phố Hà Nội theo chị là chỉ đủ ăn uống hằng ngày, chứ chưa nói tới việc nuôi con. Công việc hàng ngày của chị đòi hỏi trực ở trường từ 7h30 đến 17h30, thậm chí đến 18h nên không thể làm thêm để kiếm thu nhập.

“Chúng tôi đã gắn bó hơn chục năm nên chấp nhận mức đãi ngộ như thế để được hưởng bảo hiểm xã hội, lương hưu chứ với mức lương như thế không phải là nguồn mơ ước. Mình gắn bó là vì trách nhiệm, sự gắn bó với các em học sinh và lương tâm của người làm y. Mười mấy năm chăm sóc các cháu ốm đau tận tình, tôi chưa bị bất kỳ phụ huynh nào phản ánh” – chị Trinh cho hay.

Chị Hoàng Tuyết Chinh, nhân viên y tế học đường, Trường Tiểu học Thành Công A. Ảnh: NVCC.

Không thể bỏ phụ cấp nghề

Nhân viên y tế Trường Tiểu học Thành Công A cho hay, công việc của chị đòi hỏi trực 24/24h, đảm bảo sức khỏe cho khoảng 1.000 học sinh tại đơn vị này. Hiện tại, nhiều dịch bệnh nên mỗi ngày đều có 20-30 học sinh cần chị chăm sóc khi gặp tình trạng ốm, sốt, sứt tay chân, chưa kể đến các sự cố khác.

“Nếu không đáp ứng được cuộc sống, nhân viên y tế học đường sẽ phải tìm phương hướng cho mình. Nhưng thực ra, ở trường nào cũng thế, ngay như trường mình, vẫn luôn cần nhân viên y tế học đường vì các cháu ốm đau rất nhiều. Trường hàng nghìn cháu nên không phải chỉ 1-2 cháu ốm, sốt.

Đơn cử, có những thời điểm tôi nghỉ sinh, trường buộc phải thuê người để thay thế. Trường cũng phải trả chế độ 7-8 triệu thậm chí hơn, mà người ta không trực sát sao, không yêu con như chúng tôi vì họ chỉ xác định làm tạm thời. Cho nên tôi cho rằng đưa vào vị trí nào thì cơ quan cũng phải đảm bảo chế độ đãi ngộ cho chúng tôi vì đây là vị trí không thể thiếu được” – chị Trinh nhấn mạnh.

Đặc biệt, chị đề nghị phải đảm bảo chế độ phụ cấp độc hại cho nhân viên y tế học đường. Bởi do đặc trưng công việc tiếp xúc nhiều yếu tố nguy cơ.

“Chúng tôi không thể như nhân viên thông thường, bởi ngày nào cũng tiếp xúc máu me khi các em chảy máu cam, xước xát, nôn trớ,… Những chất dịch nhầy đó rất dễ lây bệnh. Có những lúc cấp cứu, cô chẳng kịp đeo găng tay mà phải vội sơ cứu cho con, thậm chí ngay giữa sân trường. Tôi luôn phải sẵn sàng như vậy. Mùa nào cũng có nguy cơ lây bệnh. Chẳng hạn vừa rồi, dịch cúm A, ngày nào cũng có mấy chục em bị xuống phòng y tế. Tôi cũng bị lây, hơn 10 ngày mới khỏi” – chị Trinh kể.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn