MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nội dung Lịch sử chương trình mới bậc THCS quá khó so với lứa tuổi học sinh

Vân Trang LDO | 26/08/2023 14:46

GS.TS Đỗ Thanh Bình (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) đánh giá, nội dung môn Lịch sử cấp THCS nhìn chung khá nặng nề so với lứa tuổi học sinh.

Kiến thức THPT dồn nén vào chương trình THCS

Sáng 26.8, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức Hội thảo quốc gia môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới: Vấn đề đặt ra đối với nghiên cứu giảng dạy.

Chia sẻ tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Thanh Bình đánh giá, môn Lịch sử đã có sự lồng ghép giữa lịch sử thế giới với lịch sử khu vực, lịch sử dân tộc, không còn tách biệt như chương trình 2006 (chương trình cũ). Nội dung chương trình khá toàn diện.

Với bậc tiểu học, chương trình hướng tới tích hợp sâu giữa kiến thức Lịch sử và Địa lí, được viết đơn giản, dưới dạng câu chuyện lịch sử, phù hợp với lứa tuổi học sinh lớp 4, lớp 5.

GS.TS Trần Thanh Bình chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Vân Trang

Đối với THCS, chương trình được viết theo thông sử. Còn đối với THPT, chương trình được thiết kế theo chủ đề chuyên đề lịch sử, phù hợp với khả năng, nhận thức của học sinh.

"Hướng đi của chương trình là đúng, là đổi mới, đã khắc phục được những hạn chế của chương trình đồng tâm trước đó, tránh được sự nhàm chán của học sinh" - GS.TS Nguyễn Thanh Bình khẳng định.

Hội thảo quốc gia môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới ngày 26.8.

Tuy nhiên, ông Bình cũng nhìn nhận thực tế, hiện nay chương trình vẫn còn những hạn chế cần phải khắc phục. Cụ thể, nội dung lịch sử ở cấp THCS nhìn chung khá nặng so với lứa tuổi học sinh.

"Ở lứa tuổi của các em, tâm sinh lí chưa phát triển vững vàng, sự nhận thức còn non nớt, chưa có chiều sâu... Trong khi đó, một khối lượng kiến thức gần như của THPT trước đây được dồn nén vào THCS. Nội dung kiến thức nặng nề nhất là lớp 9. Chương trình lớp 9 còn nặng nề hơn lớp 10, 11" - ông Bình nói.

Bên cạnh đó, có những nội dung kiến thức ở bậc THCS thừa, lặp lại trong chương trình các lớp. Một số yêu cầu cần đạt quá khó đối với lứa tuổi học sinh THCS hoặc chưa chuẩn gây tranh cãi.

Từ những khó khăn trên, ông Bình đưa ra kiến nghị trong quá trình triển khai nên sớm tổng kết thực tiễn, khẳng định mặt tốt của chương trình và cũng chỉ ra những hạn chế của chương trình, về tổ chức dạy - học, về kiểm tra, đánh giá, về sự đáp ứng của giáo viên... để tham mưu kiến nghị cho Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT).

Đồng thời, tăng cường tập huấn giáo viên ở các cấp học về chương trình, sách giáo khoa, phương pháp và kĩ thuật dạy học lịch sử, về kiểm tra, đánh giá; sớm viết tài liệu bồi dưỡng giáo viên.

Đề xuất Lịch sử trở thành môn thi bắt buộc

Bên cạnh những vấn đề liên quan đến triển khai dạy học lịch sử trong chương trình mới, điều khiến nhiều thầy cô đưa ra bàn luận và việc đổi mới thi cử.

Trao đổi tại hội thảo, thầy Hồ Như Hiển - giáo viên Lịch sử Trường liên cấp Đông Bắc Ga (Thanh Hóa) - đề xuất đưa môn Lịch sử trở thành môn bắt buộc trong kì thi tốt nghiệp THPT.

"Nếu Lịch sử là môn học bắt buộc nhưng không đưa vào nội dung thi, giáo viên sẽ không hào hứng, học sinh cũng sẽ không hào hứng, học đối phó. Như vậy, chất lượng môn học sẽ không được nâng lên" - thầy Hiển nói.

Về phương án thi tốt nghiệp THPT, thầy Trần Trung Hiếu - giáo viên Lịch sử tại tỉnh Nghệ An - đề xuất điều chỉnh môn Lịch sử theo hướng: Trắc nghiệm 70% và tự luận 30% .

"Việc điều chỉnh như trên sẽ đánh giá chính xác hơn chất lượng học sinh ở bậc THPT và phản ánh chất lượng sinh viên trong quá trình đào tạo" - thầy Hiếu chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn